Đối với Dự án xây dựng Khu hành chính mới huyện Đồng Hỷ, về cơ bản, tiến độ thi công tổng thể công trình đảm bảo về thời gian và khối lượng; tuy nhiên, gói thầu xây lắp số 2, hạng mục nhà làm việc của UBND huyện tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của một số hạng mục còn thiếu và trụ sở một số cơ quan, đơn vị, đáp ứng các điều kiện cần thiết khi chuyển toàn bộ các cơ quan, đơn vị của huyện lên khu hành chính mới đang gặp khó khăn. Cụ thể, trong tổng diện tích đất cần phải thu hồi là trên 25,8ha, hiện vẫn còn gần 5,6ha chưa thực hiện thu hồi, cần bố trí kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đồng Hỷ đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ cho huyện 200 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của huyện Đồng Hỷ trong việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu hành chính mới của huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, đối với một số gói thầu, hạng mục của các dự án đang chậm tiến độ, UBND huyện cần quan tâm, phối hợp, đôn đốc và tạo điều kiện tối đa để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng với đó, cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng thi công các công trình; yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện cam kết về tiến độ thi công, cũng như những quy định về đảm bảo an toàn lao động. Đối với đề xuất của huyện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản đồng ý về chủ trương, yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, tham mưu văn bản thực hiện, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét giải quyết.

lanh dao tinh kiem tra tien do trien khai mot so du an dau tu tren dia ban
Đoàn kiểm tra Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Đồng Bẩm

Đối với Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Đồng Bẩm, thuộc Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020, hiện thành phố đã thu hồi 5,4ha và từ năm 2018, diện tích này được tạm giao cho Công ty Cổ phần công nghệ cao Trung Anh (trụ sở tại TP Hà Nội) để thực hiện dự án. Căn cứ nội dung Đề án và phương án sản xuất nông nghiệp hàng năm, thành phố cũng đã hỗ trợ 100% tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho dự án theo cơ chế 50/50. Hiện, Công ty Cổ phần công nghệ cao Trung Anh đã đầu tư, lắp dựng được 3.000m2 nhà màng, nhà lưới công nghệ cao để sản xuất các loại rau, hoa, quả chất lượng cao như: hoa lan hồ điệp, hoa ly, dưa lưới, rau quả các loại…Trước đề xuất của đại diện Công ty về việc mở rộng diện tích lên khoảng 10ha vàc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án, nhằm tạo hành lang pháp lý đối với các thủ tục liên quan như: huy động vốn tín dụng và đăng ký sản phẩm Vietgap, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao UBND thành phố Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan có buổi làm việc để đánh giá tính hiệu quả của dự án đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với phương châm tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai thành công. Đồng chí cũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên sớm xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Kiểm tra tiến độ triển khai và hiệu quả đầu tư của Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tế tại Bãi chôn lấp rác Đá Mài và trạm xử lý nước rác. Với tổng diện tích 25,8ha, Bãi chôn lấp rác Đá Mài được đầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 2001. Hiện, Bãi rác thải tiếp nhận khoảng 275 tấn rác/ngày, trong đó khoảng 110 tấn/ngày sẽ được đốt, còn lại chôn lấp). Bãi chôn lấp cũng đang được nâng cấp để chứa được khoảng 500.000 tấn rác, với thời gian tiếp nhận rác khoảng 8 năm nữa. Đối với nước rác được xử lý tại Khu xử lý theo quy trình chặt chẽ, công nghệ hiện đại, đảm bảo nguồn nước an toàn trước khi đổ ra môi trường, với công suất 720m3/ngày đêm.

Đối với Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Đá Mài do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư, đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2017. Với mô hình khép kín, mỗi ngày Nhà máy xử lý được 110 tấn rác thải, lượng chất thải còn lại để chôn lấp vào khoảng 15% và nước rỉ rác được xử lý tại chỗ. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được nâng cấp công suất đến năm 2020 đạt sản lượng xử lý 300 tấn/ngày, đảm bảo xử lý triệt để được lượng chất thải rắn cho toàn thành phố Thái Nguyên. Để thực hiện được mục tiêu này, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đề xuất tỉnh và thành phố tạo điều kiện về mặt bằng, nhất là có cơ chế để di chuyển một số hộ dân hiện đang sinh sống gần khu vực bãi rác và nâng đơn giá xử lý rác hiện hành để đảm bảo chi phí xử lý rác thải trong điều kiện thực tế hiện nay. Đánh giá cao nỗ lực của thành phố Thái Nguyên và Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên trong giải quyết một trong những vấn đề đáng quan tâm tại các đô thị lớn hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đề xuất tại buổi làm việc. Đối với đề xuất nâng đơn giá xử lý rác hiện hành, cần nghiên cứu, rà soát lại trong thực tiễn để xây dựng phương án phù hợp, trình HĐND tỉnh theo quy định./.