lam giau tu trong hoa lan
Mô hình trồng lan của gia đình bà Lưu Thị Tuyết đem lại hiệu quả kinh tế cao

Những tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với thị trường giao dịch lan đột biến lại khá sôi động. Đơn cử như tại vườn lan của bà Lưu Thị Tuyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa lan đột biến Xứ Trà, Thái Nguyên, đã có nhiều thương vụ giao dịch lan đột biến thành công với giá trị lên tới nhiều tỷ đồng, mang lại khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho chủ vườn lan. Bà Lưu Thị Tuyết chia sẻ: "Hoa lan năm nay phát triển rất tốt, nhất là những người làm kinh tế từ hoa lan thu lợi nhuận tương đối".

Hoa lan thường được ví là “vua” của những loài hoa bởi màu sắc rực rỡ, hương thơm ngát và giữ được lâu. Nắm bắt nhu cầu thị trường, trong những năm vừa qua, nhiều nhà vườn trồng lan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bắt đầu tăng số lượng, nâng cao chất lượng để cung cấp ra thị trường những chậu lan đẹp. Nhiều hộ đã bỏ ra chi phí lên đến hàng tỷ đồng để đầu tư vườn lan có quy mô hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp nâng cao chất lượng cây lan, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có khoảng 15 hội, nhóm, câu lạc bộ chuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa lan; cùng nhau góp vốn mua các giò lan quý để ươm tạo, nuôi dưỡng. Bà Lưu Thị Tuyết cho biết: "Cây lan có đặc tính khỏe, phù hợp với điều kiện môi trường của nước ta, chỉ cần đủ nắng, đủ gió, đủ độ ẩm là cây lan phát triển tốt; người mới trồng lan cần mua được giống chuẩn".

Hiện nghề trồng lan đang trở thành xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp đô thị, mang lại thu nhập; đồng thời, góp phần tạo mỹ quan, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, đây là ngành nghề được dự báo sẽ phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới với nhiều vườn lan đẹp, có giá trị kinh tế cao sẽ tiếp tục xuất hiện./.