Là một trong những doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực thương mại, vật liệu xây dựng của tỉnh, Công ty cổ phần Thép Hà Căn đã không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, công ty đã có chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố lớn khu vực phía Bắc như: Thái Nguyên, Hải Phòng và Hà Nội, với doanh thu hàng năm từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng. Với mục tiêu không ngừng phát triển, năm 2018, công ty tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh bằng việc đầu tư sang lĩnh vực mới. Đó là Nhà máy sản xuất và chế biến phôi nhôm Aluminum Hàn Việt, tại Khu công nghiệp Điềm Thụy, có công suất 72 nghìn tấn/năm, với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng đang được triển khai xây lắp. Nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động. Dự kiến, mỗi năm thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hà Căn khẳng định: "Khi Công ty Hà Căn đã đứng vững trên thị trường xi măng, sắt thép, vận tải, chắc chắn chúng tôi phải mở rộng sang các lĩnh vực khác để làm thế nào cống hiến được nhiều hơn nữa cho xã hội".

Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân đã và đang góp quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, ngành công nghiệp may mặc của tỉnh, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, mỗi năm đạt giá trị xuất khẩu trên 390 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng gần 71% giá trị xuất khẩu của địa phương. Chỉ tính riêng quý I năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của tỉnh đạt trên 71,5 triệu đô la Mỹ. Không chỉ đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, ngành may mặc của tỉnh cũng đang tạo ra nhiều việc làm, với hàng chục nghìn lao động làm việc ổn định tại các doanh nghiệp. Đây là cơ sở để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Chị Lý Thị Hà, nhân viên Công ty cổ phần may TDT, Chi nhánh huyện Đại Từ chia sẻ: "Công việc ở đây rất phù hợp với tôi vì môi trường làm việc rất sạch sẽ, thoáng mát. Mong muốn của tôi là công ty càng ngày càng phát triển, thu nhập của công nhân được cao hơn".

kinh te tu nhan dang khang dinh vi the trong tinh hinh moi da ps
Kinh tế tư nhân đang góp quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của đất nước và của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 11%/năm, kết quả này có sự đóng góp tích cực từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Con số này được minh chứng bởi các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, vốn đầu tư, thu ngân sách... năm sau cao hơn năm trước. Có thể thấy, kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế của đất nước, của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì vậy, những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong lúc này sẽ là bệ đỡ, tạo đà tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về những chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân: "Để thực hiện tăng tốc và đột phá, chúng tôi nghĩ rằng cần phải có sự hỗ trợ về chính sách, về đào tạo, tài chính để thành một hệ thống mạnh. Cái đó cần có Đảng và Nhà nước chung tay đồng hành và kiến tạo với doanh nghiệp".

kinh te tu nhan dang khang dinh vi the trong tinh hinh moi da ps
Những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong lúc này sẽ là bệ đỡ, tạo đà tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế tư nhân là nhân tố không chỉ bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách, mà còn giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội như: việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực... Thái Nguyên hiện có trên 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, với hàng trăm doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm. Đây sẽ là đòn bẩy để Thái Nguyên tăng tốc hướng tới phát triển nhanh và bền vững.