hoi nghi truc tuyen ban chi dao quoc gia ve hoi nhap quoc te
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu hội nhập quốc tế với nội hàm chủ động hội nhập toàn diện trên 3 trụ cột. Tiến trình hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, sâu rộng cả về chủ trương và hành động, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Tiến trình hội nhập cũng đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nước. Hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng, năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đánh dấu 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Nắm bắt xu thế hội nhập của đất nước, trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động, tích cực triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - du lịch, thương mại đầu tư. Thái Nguyên mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương trên thế giới, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế với các quốc gia, các tập đoàn kinh tế quốc tế. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tiến trình hội nhập, các cam kết, các hiệp định thương mại quốc tế được đẩy mạnh. Có thể nói, hội nhập quốc tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2019 đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030..., đồng thời Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Ban Chỉ đạo liên ngành tập trung kiểm điểm hoạt động; đặc biệt lưu ý những hạn chế, tồn tại, cách tổ chức thực hiện để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành để triển khai nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới./.