Có lệnh là đi, hiểm nguy không ngại

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Đức Thọ, Chính ủy Binh chủng Hóa học (BCHH) ôn lại truyền thống, chiến công của BĐHH, khi ngay trong những năm chiến tranh, những người lính phòng hóa đã coi việc “phản ứng nhanh” với sự cố môi trường là nhiệm vụ chiến đấu... Một sự kiện không thể lãng quên, đó là ngày 20-8-1966, máy bay Mỹ đánh bom vào đoàn tàu chở đầy hàng hóa đang đỗ tại ga Núi Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong đó có một toa chứa hóa chất độc. 12 thanh niên xung phong đến cứu tàu đã bị nhiễm độc nặng và anh dũng hy sinh, hàng trăm người khác bị nhiễm độc... BĐHH đã nhanh chóng có mặt, khẩn trương xử lý. Mặc dù phương tiện phòng độc rất hạn chế, nhưng với tinh thần dũng cảm, không ngại hy sinh, những người lính phòng hóa đã bằng tất cả tinh thần, nghị lực khắc phục hậu quả, nhanh chóng khoanh vùng, khống chế khu vực bị nhiễm độc.

bo doi hoa hoc xung kich trong chien dau thoi binh

Cán bộ Viện Hóa học - Môi trường quân sự lấy mẫu phân tích mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực biển, đảo miền Trung. Ảnh: KHÁNH HƯNG.

Trong thời bình, những người lính phòng hóa tiếp tục phát huy truyền thống “Phòng chống tốt, chiến đấu giỏi”, luôn có mặt kịp thời ở những “điểm nóng” xảy ra sự cố, thảm họa về hóa chất độc-xạ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Gần đây nhất, sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung vào tháng 4, tháng 5-2016 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường và đời sống của nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ trên giao, ngay lập tức BĐHH có mặt tại hiện trường, góp phần xác minh, sớm làm rõ nguyên nhân.

Đại tá Trương Minh Lý, Chính trị viên Viện Hóa học-Môi trường quân sự (HH-MTQS) thuộc BCHH học nhớ lại: “Ngay khi sự việc xảy ra, thực hiện sự chỉ đạo của trên, viện khẩn trương thành lập 2 đội nghiệp vụ; một đội hành quân từ Đà Nẵng ra, một đội từ Hà Tĩnh cơ động vào, đồng thời tiến hành lấy mẫu ở ven bờ và ngoài biển tại các tỉnh miền Trung. Các mẫu được đóng gói cẩn thận gửi ngay theo xe khách ra Hà Nội; đơn vị cử lực lượng trực sẵn tại bến, tiếp nhận và chuyển ngay cho các phòng chức năng phân tích. Công việc được tiến hành khẩn trương suốt ngày đêm. Chỉ sau 2 ngày, viện đã có kết quả chính xác báo cáo cấp trên và tham mưu cho cơ quan chức năng, góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố môi trường nghiêm trọng này”.

Sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 - thời điểm nghỉ ngơi, đi du lịch của nhiều gia đình, nhưng do tính chất nhiệm vụ, ngoài số cán bộ, nhân viên của Viện HH-MTQS đi lấy mẫu ở hiện trường, số anh em còn lại đều ứng trực 100% tại đơn vị, kể cả một số đồng chí bị sốt vi-rút. Tất cả đều bám máy, bám vị trí, đặt nhiệm vụ lên trên hết...

Gặp chúng tôi khi trở về đơn vị sau hơn 2 ngày đêm liên tục thực hiện nhiệm vụ cứu hộ các nạn nhân bị ngạt khí độc và tử vong tại hang Nước (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), các kỹ sư trẻ: Nguyễn Khánh Hưng, Nguyễn Văn Tài và Lê Văn Dũng của Viện HH-MTQS còn khá mệt, nhưng trong lòng các anh thấy thật nhẹ nhõm vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm là đưa được thi thể 3 nạn nhân ra khỏi hang sâu có khí độc, xua tan sự hoang mang, tuyệt vọng của người dân nơi đây.

Thiếu tá Nguyễn Khánh Hưng kể lại: Hồi 0 giờ 15 phút ngày 8-6-2016, đang trong giấc ngủ say, tôi nhận được lệnh của chỉ huy đơn vị: “Khẩn trương chuẩn bị quân tư trang, lên đường ngay, thực hiện nhiệm vụ giúp người dân địa phương đưa thi thể các nạn nhân bị tử vong ra khỏi hang sâu tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”.

Ngay trong đêm, đồng chí Hưng cùng tổ công tác do Đại tá Nguyễn Văn Miền, Phó tham mưu trưởng BCHH chỉ huy lên đường gấp. Sau gần 3 giờ đồng hồ hành quân bằng ô tô, tổ công tác đến Bá Thước-huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa, rồi tiếp tục hành quân bộ vượt núi, xuyên rừng. Đầu giờ chiều, tổ công tác mới đến được hiện trường-nơi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, người dân đang mong ngóng trong không khí tang tóc, ảm đạm bao trùm đã hơn 2 ngày... Bà con cho biết: Hang Nước sâu gần 100m, có hai đoạn “thắt cổ chai” đường kính chỉ rộng hơn thân người một chút; trong hang, đá lởm chởm, nhọn hoắt, đường vào hang trơn trượt. Qua thông tin thu thập, tổ công tác nhận định, các nạn nhân bị tử vong do ngạt khí độc.

Tổ công tác của BCHH tiến hành ngay việc trinh sát với các trang bị phương tiện chuyên dụng, như: Mặt nạ cách ly IP-4, thiết bị kiểm tra nồng độ khí, hộp trinh độc, hòm hóa nghiệm HN-01, hệ thống thông tin hữu tuyến, bộ đàm, dây an toàn..., đồng thời đề nghị lực lượng của địa phương dùng máy nén khí sục xuống phía dưới hang, nhằm thông khí, giảm nồng độ khí độc.

Thiếu tá Nguyễn Khánh Hưng nhớ lại: Tổ công tác gồm 4 người, chúng tôi phân công 3 người xuống hang, 1 người ở cửa hang để chỉ huy; thực hiện phương án khảo sát, dần tiếp cận mục tiêu, liên tục cập nhập số liệu quan trắc môi trường để người chỉ huy phía trên nắm được nồng độ khí độc, qua đó kịp thời ra phương án xử lý. Nếu phát hiện khí độc với nồng độ cao, sự cố đột xuất thì phải nhanh chóng rút ra khỏi hang, thông báo và lên phương án khắc phục. Khi phát hiện thi thể nạn nhân thì nhanh chóng kiểm tra nồng độ khí độc tại vị trí đó, nếu thấy an toàn thì rút ra khỏi hang để lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra ngoài... Theo phương án được thông qua, Đại úy Nguyễn Văn Tài được lệnh xuống hang trước, với thiết bị mang theo là bộ đàm, khí tài phòng hóa. Quá trình xuống hang trinh sát vô cùng vất vả, nguy hiểm, nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, sau gần 6 giờ đồng hồ đối mặt với “tử thần”-nguồn khí độc tích tụ lâu ngày, tổ công tác đã lần lượt đưa được 3 thi thể nạn nhân (đi đào vàng bị tử vong do nhiễm khí độc) ra ngoài, trong sự cảm động, biết ơn vô bờ của cán bộ, nhân dân địa phương...

Nhiệm vụ thường trực “canh giữ”, xử lý môi trường

Để góp phần bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường an toàn, cán bộ, chiến sĩ BCHH luôn có mặt ở nhiều vị trí để quan trắc, lấy mẫu, tiến hành đo nồng độ ô nhiễm các yếu tố về môi trường nước, không khí, đất... Nhờ các trạm quan trắc trong cả nước, binh chủng đã chủ động, kịp thời đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường như đã phát hiện kịp thời sự gia tăng đột biến hoạt độ các đồng vị phóng xạ trong không khí, sinh vật chỉ thị và bụi rơi lắng sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Phu-ku-si-ma (Nhật Bản) năm 2011. Để có cơ sở khoa học đánh giá tình trạng ô nhiễm, theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, BCHH đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên lấy mẫu phân tích, kết luận và xử lý mẫu lạ; trực tiếp tham gia truy tìm, đánh giá mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ, hóa chất độc hại bị thất lạc cũng như mức độ ô nhiễm ở một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...

BCHH còn tiến hành quan trắc và phân tích môi trường trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, cung cấp kịp thời các số liệu về phóng xạ và hóa học trên phạm vi toàn quốc phục vụ yêu cầu của Nhà nước và nhiệm vụ của quân đội; phối hợp với các cơ quan chức năng kiện toàn hệ thống trạm quan trắc tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số quân khu, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Với sự phát triển nhanh về kinh tế-xã hội, các sự cố về hóa chất, môi trường; tai nạn cháy nổ, sập hầm lò, ô nhiễm nguồn phóng xạ… có xu hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng. Mới đây, Đại tá Hà Văn Cử, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng BCHH cho biết: Hơn một năm trước, BCHH đã thành lập và ra mắt 3 trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng ứng cứu, phản ứng nhanh với các sự cố môi trường.

Những năm qua, BĐHH đã tham gia khắc phục nhiều sự cố thảm hoạ môi trường, điển hình như: Vụ nổ hóa chất ở Nhà máy Nhiệt điện Thủy Nguyên và nhiễm độc tàu ở cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng); vụ cháy nổ ở Nhà máy Z121…; tiến hành khảo sát, thử nghiệm xây dựng phương án khắc phục sự cố cho một số cơ sở hóa chất trọng điểm, như: Nhà máy Phân đạm và hóa chất Bắc Giang; Nhà máy Hóa chất Việt Trì, Nhà máy Giấy Bãi Bằng… Binh chủng cũng chỉ đạo triển khai nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ phù hợp và trực tiếp xử lý ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương; khắc phục kịp thời nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng do dịch bệnh, nhất là khi tiêu hủy gia cầm bị nhiễm cúm A/H5N1, gia súc mắc bệnh tai xanh, lở mồm long móng… Binh chủng còn chỉ đạo các đơn vị tích cực tham gia tiêu hủy số lượng lớn thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu ở các địa phương bằng giải pháp công nghệ mới, góp phần bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống của nhân dân..., được Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các nhà khoa học đánh giá cao.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân tử vong tại hang Nước (xã Lũng Cao) đầu tháng 6 vừa qua: “Nơi nào, sự cố nào nguy hiểm, độc hại, khó khăn nhất, khi không lực lượng nào có thể tiếp cận, xử lý được…, thì BĐHH có mặt, thực sự là lực lượng nòng cốt, thực hiện nhiệm vụ tinh nhuệ, hiệu quả và an toàn”./.