Y Đức của lương y người dân tộc
Vượt đường xá khó khăn, hai mẹ con Bà Hoàng Thị Ngát và chị Nguyễn Thị Thật ở xóm Toàn Thắng, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương đến hỏi thăm, cảm ơn thầy thuốc Tám và xin thuốc cho người nhà. Cả hai thế hệ gia đình bà Ngát đều hiếm muộn, đi điều trị ở nhiều nơi không có kết quả nhưng nhờ phương pháp cứu ngải huyệt đạo và bài thuốc của lương y Tám, đến nay, niềm vui vô bờ bến đã đến với nhiều gia đình như bà Ngát, chị Thật và nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn nghèo, khó khăn trong chuyện sinh con…
"Cứu ngải huyệt đạo" là một trong những phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả, đây cũng chính là một trong những bài thuốc "độc quyền" của ông Tám sìn |
Bà Ngát cho biết, Chồng bà đã từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, bị nhiễm chất độc da cam nên hết sức khó khăn trong vấn đề sinh nở. Cả hai lần mang thai trước khi được thầy Tám chữa trị đều khiếm khuyết và tử vong một thời gian ngắn sau sinh. Sau khi chữa trị ở nhiều nơi không có kết quả, bà Ngát được thầy Tám khám và bốc thuốc và điều trị. Vợ chồng bà Ngát giờ đây đã có 3 con, một trai, hai gái. Con của bà Ngát là chị Nguyễn Thị Thật cũng được thầy Tám chữa khỏi sau nhiều năm muộn mằn trong chuyện con cái…
Còn anh Nguyễn Thanh Dương, Xã Tân Cương, TP Thái Nguyên chia sẻ, bản thân anh sau nhiều năm lập gia đình, không có con nên đã đi khám ở bệnh viện. Các bác sĩ cho biết anh bị yếu sinh lý nên không có khả năng sinh con tự nhiên. Được một người thân động viên tới khám và điều trị ở chỗ thầy Tám, sau khi uống 3 tháng thuốc của thầy Tám, anh Dương đi khám ở bệnh viện, sức khỏe và sinh lý của anh đã đảm bảo và hoàn toàn có thể sinh con. Đến nay vợ chồng anh chị đã sinh được một cháu trai và một cháu gái.
Từ phương pháp cứu ngải huyệt đạo và các bài thuốc cổ truyền, hơn 30 năm theo nghề thuốc, lương y Đặng Văn Tám còn miệt mài phục dựng nhiều bài thuốc, phương pháp chữa nhiều bệnh nan y truyền lại cho đời sau như phương pháp, phương thuốc chữa bệnh sinh lý, câm điếc bẩm sinh, động kinh, sơ gan, các bệnh về nội tiết, băng huyết… Các bệnh này đều được chữa trị mà không tốn kém như điều trị bằng y học phương Tây hiện đại… Cũng chính bởi tài đức và y thuật của mình, bệnh nhân đến chữa trị ngày một đông.
Đến “Lâm Trí Đường” ngày cuối tuần mới thấy hết sự bận rộn của Thầy Tám và người nhà. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng được chứng kiến một bệnh nhân mắc chứng động kinh ở Thường tín, Hà Tây đã hoạt bát trở lại sau thời gian được châm ngải; một trường hợp bé ba tuổi chậm nói, chậm đi đang tập nói và chập chững những bước đầu tiên và cả một trường hợp băng huyết bị bệnh viện trả về được chữa khỏi đến lấy thuốc điều trị sinh lý…. Tất cả những trường hợp trên đều là người bệnh khó khăn nhưng vẫn được Thầy Tám tận tâm cứu giúp…Thậm chí, với những trường hợp thật sự khó khăn, thầy Tám sẵn sáng điều trị miễn phí đến khi khỏi bệnh…
Ông Vũ Đức Hải, Chủ tịch Hội Đông y xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên cho biết, "Bản thân thầy thuốc Tám như một kho sách quý đối với học thuật đông y, y học cổ truyền không chỉ riêng của xã Cổ Lũng, hay huyện Phú Lương, kiến thức và y thuật của thầy Tám dày công lĩnh hội và nghiên cứu là di sản quý với người bệnh và đông y nước nhà. Thầy tám đến nay vẫn còn miệt mài nghiên cứu, phổ biến, truyền dậy kiến thức và y thuật của mình cho các hội viên trong Hội Đông y cũng như những người muốn theo học nghề này"…
Thầy thuốc Đặng Văn Tám truyền dậy kiến thức Đông y cho thế hệ sau |
Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên chia sẻ thêm, "Thầy Tám và gia đình luôn làm đúng bổn phận của một công dân; giúp đỡ, chữa trị cho người bệnh nghèo trong và ngoài địa phương trước tiên là với cái tâm của người thầy thuốc. Tinh thần phấn đấu, học hỏi của chính ông Tám là gương sáng cho các con cháu ông học tập, trưởng thành tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển của địa phương"…
Để giữ gìn những vị thuốc quý, thầy thuốc Tám dành phần lớn diện tích đất sản xuất của gia đình để ươm trồng những vị thuốc quý, hiện tại, gần 4 ha đất nông nghiệp của ông vẫn nuôi dưỡng những cây nguyên sinh, cây thuốc cổ truyền dưới tán rừng… Thầy Tám cũng thành lập cơ ở khám chữa bệnh với tên gọi “Lâm Trí Đường” với mong muốn mở rộng quy mô cứu chữa bệnh, phát triển y thuật, học thuật và truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Trò chuyện với chúng tôi, Lương y Đặng Văn Tám đáp "Niềm trăn trở lớn nhất của ông hiện nay là ngành Đông y chưa được đánh giá, nhìn nhận và nghiên cứu, ứng dụng một cách hệ thống, xứng tầm với hiệu quả có thể nói là kỳ diệu và có nhiều ưu thế vượt trội trong nền y học hiện đại, bởi vậy, ông dành tâm huyết cả đời vào việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu những vị thuốc quý, bài thuốc hay, sắp xếp, hệ thống một cách khoa học những kiến thức về Đông y để tiện cho thế hệ kế cận có thể học hỏi, phát huy tối đa niềm tự hào của dân tộc".
Không phụ công lao dạy dỗ, truyền thụ của ông, hiện nay con trai và con rể ông đã nối nghiệp truyền thống gia đình, và vui hơn nữa là con trai Thầy Tám sau khi tốt nghiệp Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên tiếp nối gia đình với đam mê, mong muốn được phát triển y thuật, cứu chữa cho nhiều người. Cả hai người con của ông đều phấn khởi cho biết "Là thế hệ tiếp nối nghề thuốc gia truyền nên ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được tiếp xúc, cùng với gia đình tham gia bảo quản, bào chế các loại dược liệu. Lớn lên, được chỉ dạy và ngày càng thấu hiểu đạo lý của ngành y cùng với những kinh nghiệm được tích lũy từ sách vở và qua thực tiễn làm việc đã được thụ hưởng và tiếp quản nhiều bài thuốc tinh hoa của gia tộc và trở thành một thầy thuốc, có những hiểu biết nhất định về cơ thể người cũng như hiệu quả công dụng của vô số dược liệu trong Đông y. Tuy nhiên, “Càng học hỏi càng thấy được cái hay, cái quý của Đông y và mới thấy mình cần tìm hiểu nhiều hơn nữa, cứu chữa nhiều người hơn nữa”.
Trong suốt những năm làm nghề y, được nhiều cấp, nhiều ngành đánh giá và ghi nhận, nhưng với Lương y Tám, phần thưởng quý giá nhất mà ông nhận được chính là đã chữa khỏi bệnh và mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó cũng là niềm vui, là động lực thúc đẩy để Lương y Tám ngày càng cố gắng hơn nữa nâng cao trình độ chuyên môn, cứu giúp cho những người không may mắc bệnh có thể trở về với cuộc sống bình thường./.