Xuất khẩu 2018: Doanh nghiệp trong nước lần đầu “vượt mặt” FDI
Góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 phải kể đến lĩnh vực xuất khẩu. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, với 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Xuất khẩu khởi sắc từ khối doanh nghiệp trong nước
Điểm đáng chú ý trong xuất khẩu năm 2018 là khu vực kinh tế trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trọng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017. Khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7%.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may năm 2018 đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017. |
Đánh giá về kim ngạch xuất khẩu năm vừa qua, chuyên gia Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mức xuất siêu đạt được trong năm 2016 và 2017 là kỷ lục của Việt Nam.
“Năm 2018, kết quả xuất siêu đạt được trong các tháng có thể nói là kỷ lục nối tiếp. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lên cao, thương mại trên thế giới của nhiều nước suy giảm, mức tăng trưởng xuất khẩu mà Việt Nam đạt được rất đáng khích lệ. Điều này góp phần tạo thuận lợi tốt cho nền kinh tế, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định hơn và xuất siêu là một trong những chỉ tiêu cân đối kinh tế vĩ mô tốt”, ông Phương đánh giá.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn tăng mạnh. Điều này thể hiện Việt Nam vẫn tiếp cận được các thị trường đó. Ngoài ra, các nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng tăng khá mạnh, thể hiện năng lực cạnh tranh tốt để vượt qua những rào cản, nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ để đạt được kết quả khả quan.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, điểm sáng trong xuất khẩu năm 2018 chính là các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã tìm được thị trường, tìm được hướng đi để mở ra cơ hội mang tính chất lâu dài cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực xuất khẩu, giúp nhiều người dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, khối doanh nghiệp trong nước vẫn thua kém so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng đến năm 2018, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn so với khối FDI. Điều này cho thấy, chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu đi vào thực tiễn và phát huy tác dụng.
“Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước một lần nữa khẳng định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong năm vừa qua, khối doanh nghiệp này đã có đóng góp tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên đây vẫn là các doanh nghiệp nhập siêu, còn xuất siêu vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận xét.
“Tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 từ 7 – 8% là phù hợp”
Năm 2019 được dự báo sẽ là một năm không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bởi lẽ, bên cạnh sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thì Việt Nam cũng tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn trong thương mại thế giới, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng cao.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 ở mức trên 13,7%, nhưng theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019 được Quốc hội thông qua ngày 8/11/2018, Quốc hội giao Chính phủ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm 2019 là 6,6-6,8%; lạm phát khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7- 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%...
Phân tích về các con số này, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây luôn ở mức rất cao, thường ở mức trên 10%, cao gấp 1,5 hoặc gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Sở dĩ mục tiêu của Quốc hội đặt ra trong năm 2019 chỉ ở mức từ 7 – 8% là do chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu phải cân đối với những chỉ tiêu vĩ mô khác như GDP, chỉ tiêu việc làm, cơ cấu kinh tế và ngoại hối…nên không thể đặt chỉ tiêu xuất khẩu tăng vọt.
Mặt khác, khi xuất khẩu vào thị trường thế giới, Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào các quốc gia khác. Nên khi đặt ra mục tiêu này, Việt Nam vẫn chưa thể lường hết được những biến động của thế giới như diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
“Chúng ta chưa thể lường trước được quan hệ cung – cầu trên thị trường thế giới sẽ biến đổi như thế nào, hậu quả của việc FED nâng lãi suất làm cho quan hệ ngoại hối sẽ có những biến đổi ra sao…nên chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 7 – 8% là mức độ vừa phải và có thể chấp nhận được và chắc chắn có thể đạt được, thậm chí vượt mục tiêu Quốc hội đề ra”, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho biết./.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải: Trong năm 2019, với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng. Bên cạnh đó, những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ./. |