Buổi sáng xuất quân tại quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã chứng kiến giọt nước mắt của cô giáo Văn Thị Nhung tiễn chồng là Trung úy QNCN Lê Bá Tùng ra làm nhiệm vụ tại đảo Núi Le. Chuyện người lính vì việc quân phải ăn Tết xa nhà không phải là hiếm nhưng với anh Tùng còn có chút tâm tư khi vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng. Khi công tác ở quần đảo Trường Sa, các quân nhân được phép gọi điện về nhà qua điện thoại đơn vị, không được dùng điện thoại di động. Vì thế, anh Tùng và những người lính đảo có hoàn cảnh tương tự chỉ có thể nghe vợ tả đứa con qua điện thoại. Chẳng biết có phải vì thế mà trong đêm giao lưu văn nghệ tại đảo Núi Le, anh Tùng đã hát bài “Nơi đảo xa” thật xúc động, như trải hết tình cảm của mình dành cho người vợ ở đất liền: “Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó/ Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tàu xa khơi, đây con tàu xa khơi...”.

xuan vui dang den voi bo doi truong sa
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông gói bánh chưng.

Xa đất liền, xa tình cảm gia đình ấm áp, song người lính đảo vẫn có những chỗ dựa tinh thần vững chắc là tình đồng đội. Cán bộ, chỉ huy trên đảo luôn gương mẫu như người anh trong gia đình, thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cấp dưới, nhất là những chiến sĩ lần đầu ăn Tết xa nhà. Binh nhất Trần Hàn Nhị Tín, quê ở Phú Yên, tâm sự: “Lần đầu tiên đón Tết ở đảo Phan Vinh, các cán bộ luôn trò chuyện, động viên, tạo điều kiện để em thích nghi dần với cuộc sống trên đảo, yên tâm hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Bản thân em cũng thấy vơi đi nỗi nhớ nhà, cùng với mọi người chuẩn bị và đón Tết trong không khí vui tươi, sôi nổi”.

Ở điểm đảo Đá Lớn C, chúng tôi được dự một buổi liên hoan đặc biệt để tạm biệt 7 đồng chí sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành thời gian công tác trở về đất liền. Những đồng chí ở lại đảo đón Tết lần lượt lên bắt tay, tặng quà 7 đồng chí trong niềm bâng khuâng, xúc động-một tình cảm thân thiết của những người đồng chí, đồng đội từng có những năm tháng bên nhau với cùng một suy nghĩ “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Thời điểm đầu năm, bên cạnh nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên là trực sẵn sàng chiến đấu, bộ đội ở các đảo đều tích cực chuẩn bị đón Tết, vui Xuân mới. Theo thống kê của Vùng 4 Hải quân, gần 500 tấn hàng Tết-số lượng lớn nhất từ trước đến nay, đã được chuyển đầy đủ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tất cả các đảo trong điều kiện thời tiết xấu với những con sóng cao như muốn nhấn chìm tàu xuống biển. Với nhiều năm kinh nghiệm của các thủy thủ nên các tàu chở hàng, quà Tết đến đảo đều an toàn, ít bị hư hao, bảo đảm đủ thịt gia súc, gia cầm... cho đến lá dong, gạo nếp, đậu xanh để gói bánh chưng. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của cả nước hướng về Trường Sa thân yêu mà giờ đây, đời sống cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã bớt khó khăn hơn trước. Có thể khẳng định, đón Tết ở đảo hiện nay không có nhiều khác biệt so với đất liền. Nhìn vườn rau xanh mướt đủ loại tại điểm đảo Tốc Tan B, đàn vịt trên điểm đảo Đá Lớn C... là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống và bảo đảm cho bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ai nấy đều cảm phục ý chí vươn lên, vượt khó, tự lực tự cường của bộ đội hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Bộ đội ở các đảo nhỏ hiện nay đều có nhà văn hóa đa năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, nhất là những ngày Tết với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú.

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi-những nhà báo lần đầu tác nghiệp ở Trường Sa là khoảnh khắc đón Giao thừa sớm trên đảo Núi Le. Ở bất cứ đâu, thời khắc đón chào năm mới cũng là những giờ phút thật sự thiêng liêng, nhưng có lẽ chỉ ở Trường Sa mới thấy hết ý nghĩa của những ngày Xuân, ngày Tết. Bên nồi bánh chưng, các cán bộ, chiến sĩ và thành viên đoàn công tác nắm tay nhau say sưa hát những bài ca ngợi đất nước, quê hương. Và rồi, vào nửa đêm khi con tàu 936 ở ngoài khơi kéo 3 hồi còi, tất cả mọi người đều hướng về phía đất liền cùng hô vang: “Chào đất liền. Chúc mừng năm mới Đinh Dậu 2017!”. Những lời chúc đó hòa với tiếng sóng, tiếng gió chở đầy niềm tin về một mùa xuân bình yên nữa lại đến trên quần đảo yêu dấu của Tổ quốc.