Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: Những năm học trước, huyện miền núi Sơn Tây phải duy trì hàng chục điểm trường lẻ tại các khu dân cư. Nhiều điểm chỉ có từ 5 - 7 học sinh, có nơi chỉ có 1 lớp với 3 học sinh. Tình trạng này kéo dài dẫn đến chất lượng giáo dục không đồng đều, đồng thời tăng "gánh nặng" cho ngành vì số giáo viên đứng lớp tại các điểm lẻ quá nhiều.

Về nguyên nhân, theo ông Giới là do một số phụ huynh chưa đồng thuận cho con đến các điểm trường chính cách xa nhà. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu cũng khiến nỗ lực sáp nhập điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết tình trạng này, ngành Giáo dục huyện miền núi Sơn Tây đã đầu tư thêm nhiều phòng học mới cho các điểm trường chính trên cơ sở tính toán sự phân bố điểm trường hợp lý nhất. Mặt khác, ngành tăng cường vận động phụ huynh đồng thuận đưa con em về điểm học tập trung nhằm đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho các em.

"Năm học mới 2018 - 2019, chúng tôi đã sáp nhập 12 điểm trường lẻ, giảm được 46 lớp. Trong đó bậc Tiểu học giảm 36 lớp, Mầm non 6 lớp và THCS giảm 4 lớp. Hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 2 điểm lẻ tại xã Sơn Long và Sơn Màu còn dưới 10 học sinh", ông Giới cho biết.

quang ngai khac phuc tinh trang mot lop hoc chi co vai hoc sinh

Huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) cơ bản giải quyết được tình trạng một giáo viên phụ trách lớp học chỉ có 3 học sinh.

Theo ông Giới, việc sáp nhập các điểm trường lẻ đã giảm được khoảng 60 cán bộ, giáo viên đứng lớp. Điều này giúp địa phương giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên như nhiều năm học trước.

Như Dân trí đã phản ánh, nhiều năm liền ngành Giáo dục huyện miền núi Sơn Tây phải "đau đầu" vì thực trạng 1 thôn có đến 3 điểm lẻ, có nơi chỉ có 1 lớp học với 3 học sinh.