Xây dựng NTM, nặng gánh 6 tháng cuối năm
Những hạn chế, tồn tại vẫn còn đó. Về phát triển nông nghiệp, vẫn là quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, theo đó giao ít nhất mỗi huyện có 1 điểm ứng dụng.
Một lớp mẫu giáo ở ngoại thành |
Tuy nhiên đến nay toàn thành phố mới có 38 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương có nhiều mô hình như huyện Sóc Sơn có 8 mô hình, huyện Thanh Trì có 6 mô hình, huyện Quốc Oai có 5 mô hình, huyện Đan Phượng có 3 mô hình, các huyện Ba Vì, Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất có 2 mô hình. Trong khi ngược lại, các huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây, Đông Anh, Thường Tín chưa có mô hình nào.
Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; đầu ra sản phẩm nông nghiệp (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) còn thiếu tính bền vững. Tuy đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng số lượng còn ít, việc triển khai còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Về xây dựng NTM, nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng NTM chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Số lượng các tiêu chí cơ bản đạt còn nhiều, nhiều tiêu chí được đánh giá là đạt nhưng chưa bền vững như hộ nghèo, an toàn thực phẩm.
Công tác môi trường chưa thực sự quan tâm đúng mức, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu, làm cho đời sống sinh hoạt của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn như xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa; xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên…Việc giải quyết tồn tại ở bãi rác do thành phố quy hoạch vẫn chưa dứt điểm ảnh hưởng rất lớn đến công tác vệ sinh môi trường của một số huyện như Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ứng Hòa…
Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn.
Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tương đối cao như: Ba Vì (7,18%), Phú Xuyên (4,85%), Mê Linh (4,24%), TX Sơn Tây (4,04%)...Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn đô thị còn thấp như Phú Xuyên (22,5%), Mỹ Đức (30%), Ứng Hòa (31,5%), Thanh Oai (37,7). Việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.
Chính vì những tồn tại đó mà Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU Thành ủy Hà Nội đã đưa ra hàng loạt những giải pháp thực hiện như:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Cấp ủy chính quyền các cấp phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng cộng đồng dân cư, từng người dân, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, quan tâm đầu tư các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực quản lý, điều hành chuyên môn của các đơn vị liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia sản xuất đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Thứ ba, chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bổ sung sửa đổi các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng NTM theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tăng cường phân cấp thực hiện cho huyện và xã. Đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đấu giá đất, thủ tục xin cấp giá sàn.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo Thành phố, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc cơ sở, tiến hành giao ban định kỳ theo tuần, theo tháng, giao ban theo chuyên đề, nhất là đối với các xã, các huyện đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017; Chỉ đạo các xã đã đạt tiêu chí xây dựng NTM phải hoàn thiện nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng bền vững. Các huyện, thị xã và các xã cần tổ chức phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”…
CAO NHÂN