Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo ngay tại địa phương
Huyện Phú Lương dự kiến sẽ tăng sản phẩm diện tích lúa nếp vải lên khoảng 200 ha

Nhận thấy nhu cầu của thị trường lớn và nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển lúa nếp vải, tháng 9/2020, Hợp tác xã Nông sản nếp vải Ôn Lương đã được thành lập với 9 thành viên. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, hợp tác xã còn là cầu nối đứng ra thu mua sản phẩm của bà con. Sản phẩm làm ra đến đâu được hợp tác xã thu mua theo giá thị trường nên bà con nông dân rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Bà Nguyễn Xuân Huế, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản nếp vải Ôn Lương, huyện Phú Lương chia sẻ: “Người nông dân cảm thấy rất có động lực, sẽ nghĩ rằng, từ bây giờ mình sẽ gắn bó với ruộng đồng hơn. Tôi nghĩ là năm tới bà con sẽ cấy trên diện tích rộng hơn. Nếu như được hỗ trợ của chương trình VietGAP thì chúng tôi sẽ cố gắng đưa 1 vài sản phẩm chế biến ra từ gạo nếp vải làm sản phẩm OCOP”.

Để xây dựng và phát triển hiệu gạo nếp vải Phú Lương, năm 2020, tổ hợp tác sản xuất nếp vải xã Phủ Lý đã được thành lập với 10 thành viên. Tham gia vào tổ hợp tác, bà con nông dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất lúa gạo. Xây dựng các mô hình sản xuất lúa nếp vải theo quy trình VietGAP, hữu cơ, từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương là mục tiêu mà tổ hợp tác đang hướng tới.

Bà Đoàn Bích Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Phủ Lý, huyện Phú Lương cho biết: “Năm 2021, chúng tôi cũng muốn đẩy mạnh phát triển từ tổ hợp tác lên hợp tác xã; quy hoạch vùng sản xuất nếp vải thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo ngay tại địa phương
Mô hình sản xuất lúa nếp vải đang được sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng tới hữu cơ và được chọn xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Trên địa bàn huyện Phú Lương, loại gạo đặc sản này được gieo cấy tập trung tại 5 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch với diện tích ổn định trên 100ha và cho năng suất trung bình khoảng 48 tạ/ha. Không chỉ năng suất tăng, giá gạo nếp vải bán ra cũng cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác trên địa bàn. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích gieo cấy và nâng cao chất lượng lúa nếp vải, thời gian qua, huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa nếp vải.

Ông Ma Tiến Kốp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương nói về định hướng trong thời gian tới: “Thực hiện đề án sản phẩm chủ lực của huyện, cũng đã định hướng sẽ tăng sản phẩm diện tích lúa nếp vải toàn huyện lên khoảng 200ha; và sẽ có một số hỗ trợ để nhân rộng diện tích như hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, đặc biệt là hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc bao bì, sản phẩm mã QR Code; hỗ trợ 2ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sẽ xây dựng thành sản phẩm OCOP”.

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, hiệu quả lao động của người nông dân, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy, để tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, mở rộng thị trường tiêu thụ, các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo./.