Xã hội hóa đầu tư y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
Hiện ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 2 trung tâm tiêm chủng vắc xin có quy mô lớn đầu tư trên địa bàn |
Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay. Để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân đối với dịch vụ này, trong năm 2020, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 2 trung tâm tiêm chủng vắc xin có quy mô lớn về đầu tư trên địa bàn. Cho đến nay, cả 2 trung tâm đều hoạt động đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng:
Bác sỹ CKI Lưu Mạnh Tuyến, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng vắc xin Sông Công cho biết: ‘Trung bình mỗi ngày, có 50 lượt cháu đến tiêm, được tiêm theo đúng quy trình mà Bộ Y tế quy định, không có tai biến nào xảy ra.”
Ông Bùi Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm tiêm chủng VNVC Thái Nguyên cũng cho biết: “Hiện tại, khách hàng đã biết đến và chọn VNVC là nơi tiêm chủng cho bản thân và các bé.”
Ngành Y tế Thái Nguyên tăng cường đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để khám, chữa bệnh cho nhân dân |
Những năm gần đây, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của ngành Y tế Thái Nguyên đã tạo thuận lợi để nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu khám chữa, bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao trong công tác khám, chữa bệnh, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ không đáp ứng được. Do đó, những năm qua, tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe để huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ y tế. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị y tế xã hội hóa như liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Từ việc liên doanh, liên kết, nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi đường tiêu hóa, máy siêu âm 3D, 4D, máy tán sỏi laser… thông qua công tác xã hội hóa đã giúp ngành Y tế phát triển thêm được nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh; tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao.
Bác sỹ CKII Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên cho biết: “Từ năm 2010, chúng tôi đã tiến hành xã hội hóa một số máy, trong đó điển hình là 2 máy là cộng hưởng từ và máy chụp cắt lớp vi tính 16 dãy. Một phần đã giúp người bệnh tiếp cận những khoa học tiên tiến để người bệnh không phải lên tuyến trên chụp và điều trị.”
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở y tế ngoài công lập đang hoạt động |
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 cơ sở kinh doanh thuốc hoạt động có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược còn hiệu lực; hơn 500 cơ sở y tế ngoài công lập. Có thể nói, nhờ triển khai tốt công tác xã hội hóa y tế mà các dịch vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh được đa dạng hóa, chất lượng dịch vụ y tế tại các tuyến được nâng lên rõ rệt; góp phần không nhỏ trong việc thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân:
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà cho biết: “Bệnh viện An Phú chúng tôi đã nỗ lực hết sức trong công tác khám chữa bệnh. Thứ nhất chất lượng khám chữa bệnh phải tốt, thứ 2 tinh thần thái độ phục vụ nâng cao, luôn lấy người bệnh là trung tâm, thứ 3 giá cả phải hợp lý.”
Mục đích của công tác xã hội hóa y tế nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại cơ sở, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, trước thực tế có một số cơ sở y tế thực hiện chưa đúng chủ trương xã hội hóa, ngành y tế Thái Nguyên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động liên doanh, liên kết đầu tư tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - bệnh viện và bệnh nhân./.