Tinh gọn bộ máy ngành Y tế: Giảm “lượng” để nâng “chất”
Khám bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên |
Từ ngày 1/9/2017, 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế (gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Da liễu và chống phong) được sáp nhập lại thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sau khi sáp nhập, các bộ phận thực hiện công tác chuyên môn của đơn vị cơ bản không có nhiều thay đổi, tuy nhiên số lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy có sự thay đổi đáng kể. Bởi vậy, cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, hàng loạt các giải pháp nhằm vừa giảm số lượng theo quy định, nhưng nâng cao về chất lượng và hiệu quả công tác được Ban lãnh đạo đơn vị chủ động xây dựng và thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho sở Y tế ra quyết định ban hành chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các khoa, phòng; tăng cường chỉ đạo sự phối kết hợp giữa quản lý trên địa bàn cũng như đi cơ sở. Trước đây mỗi một trung tâm đi chỉ làm một việc riêng của mình thì bây giờ một khoa, phòng xuống cơ sở có thể làm nhiều việc.”
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ |
Ở tuyến huyện, từ năm 2018, mô hình Trung tâm Y tế hai chức năng về y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đã được thực hiện ở 4 địa phương là các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai và thị xã Phổ Yên. Việc sắp xếp bộ máy, biên chế trong mỗi cơ quan, đơn vị được thực hiện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng tính liên kết và bổ trợ lẫn nhau, đồng thời sử dụng triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để khắc phục những khó khăn sau khi sắp xếp lại.
Đối với Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ, sau khi tổ chức lại đã giảm 5 khoa, phòng chuyên môn, hiệu quả công việc cũng được minh chứng cụ thể, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phòng, chống dịch và luân phiên cán bộ y tế giữa các tuyến.
Thạc sỹ, Bác sĩ CKI. Đinh Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: “Khi sáp nhập thì chức năng và vai trò chỉ đạo trong việc tổ chức công tác y tế trên địa bàn huyện được thống nhất, không bị phân tán, triển khai nhiệm vụ giảm các bước không cần thiết, và tính nhanh, mạnh, hiệu quả được đẩy mạnh hơn, nhất là trong công tác phòng, chống dịch.”
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của ngành |
Sau khi đổi mới tổ chức và quản lý, số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Y tế trên địa bàn đã giảm từ 34 đơn vị năm 2015 xuống còn 26 đơn vị năm 2020. 19 cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc đã tự chủ, hoặc tự chủ một phần chi thường xuyên; trong đó có 7 bệnh viện tự chủ 100% chi thường xuyên. Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan văn phòng Sở Y tế cũng đang được tập trung thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Khánh Hiệp, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Theo Đề án số 09 của Tỉnh ủy, chúng tôi đã xây dựng về Đề án sắp xếp, tinh giản bộ máy. Trong đó chúng tôi đã chuyển 2 chi cục trở thành phòng, 7 phòng chuyên môn về 4 phòng chuyên môn, thành 6 phòng chuyên môn của Sở. Khi có hướng dẫn của các bộ, ngành và tỉnh, chúng tôi sẽ tiến hành khẩn trương xây dựng lại Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan Văn phòng sở Y tế theo đúng các hướng dẫn và đúng với vị trí việc làm.”
Tiến sỹ Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, 7 đơn vị đã tự chủ chi thường xuyên thì các đơn vị này sẽ phải căn cứ vào hứng dẫn của Nghị định cũng như các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng đề án vị trí việc làm, còn lại các đơn vị tự chủ một phần hoặc do ngân sách Nhà nước cấp sẽ phải xây dựng Đề án, báo cáo sở Y tế để trình sở Nội vụ thẩm định, sau đó mới tiến hành thực hiện một cách đồng bộ trong toàn tỉnh.”
Có thể thấy, với việc quyết liệt, chủ động trong sắp xếp, đổi mới tổ chức, ngành Y tế Thái Nguyên đã tạo ra sự thay đổi lớn, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đội ngũ cán bộ quản lý, tiết kiệm chi phí cho ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây cũng là cơ sở để ngành Y tế Thái Nguyên tiếp tục có những bước đi đúng đắn, hiệu quả trong lộ trình phát triển./.