WB khuyến nghị Việt Nam tăng mức thu thuế rượu bia, thuốc lá
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có đánh giá về chính sách thuế ở Việt Nam, trong đó WB khuyến nghị cần tiếp tục cải cách theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa.
Mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng
Trong số nhiều giải pháp về đẩy mạnh thu nội địa, WB khuyến nghị mở rộng cơ sở thu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo phân tích của WB, thông lệ quốc tế thường chỉ có một mức thuế suất GTGT duy nhất, và diện miễn giảm rất hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam hiện quy định 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế GTGT, 15 nhóm mặt hàng chịu thuế 5%, còn các mặt hàng còn lại chịu thuế 10%.
WB khuyến nghị Việt Nam mở rộng cơ sở thu thuế (ảnh minh họa: KT) |
“Điều này không chỉ làm hẹp cơ sở thuế mà còn làm ngắt chuỗi khấu trừ đầu vào đầu ra thuế GTGT, gây phức tạp cho công tác quản lý”- WB đánh giá.
Để xử lý các vấn đề này, WB cho rằng, cần cân nhắc từng bước thu hẹp danh mục không thuộc diện chịu thuế GTGT, chuyển các mặt hàng chịu thuế 5% sang 10%, tiến tới áp dụng thuế suất thuế GTGT duy nhất.
Cùng với đó, WB còn khuyến nghị Việt Nam mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và rà soát các hình thức ưu đãi thuế (vì Việt Nam hiện chưa có khái niệm theo luật định về “chi tiêu thuế” và tác động đầy đủ của các hình thức ưu đãi thuế vẫn chưa được tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước.).
Quan điểm của WB là việc rà soát và điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế là cần thiết nhằm phát huy đúng hiệu quả của các chính sách ưu đãi, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực, đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh chung của Việt Nam, do mức thuế suất TNDN hiện nay đã giảm khá thấp và cạnh tranh so với cách quốc gia khác.
Ngoài sử dụng công cụ ưu đãi thuế, WB cho rằng, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh cũng là biện pháp quan trọng giúp thu hút đầu tư dựa trên lợi thế cạnh tranh thực sự của Việt Nam.
Kết quả đánh giá một cách có hệ thống về tác động của các chính sách ưu đãi thuế đối với việc thu hút đầu tư và mở rộng cơ sở thuế cũng sẽ hỗ trợ cho các quyết định chính sách tài chính của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian tới.
Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, WB cũng khuyến nghị tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đánh giá của WB, ở Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt còn tương đối thấp đối với một số mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng (ví dụ như thuốc lá, rượu, bia). Vì thế, từng bước tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng này không chỉ giúp huy động thu được cao hơn, mà còn hạn chế được những thói quen không lành mạnh.
“Từng bước mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng lựa chọn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngân sách về huy động thu, đồng thời thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng giảm tiêu dùng các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường” - WB nhận định.
Ví dụ, Ngân hàng Thế giới ước tính một mức tăng hợp lý nhưng mạnh hơn so với tốc độ tăng thuế suất thuế thuốc lá theo quy định hiện hành (WB khuyến nghị tăng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, từ mức 70% giai đoạn 2016 - 2017, và 75% giai đoạn 2018 – 2020 theo quy định hiện hành, lên mức 85% giai đoạn 2016 - 2017, 100% giai đoạn 2018 - 2019, và 110% giai đoạn 2020) sẽ giúp tăng 12% số thu từ các sản phẩm thuốc lá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức tiêu thụ thuốc lá trên mỗi người lớn khoảng 10%, từ năm 2014 tới năm 2020.
Bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị Việt Nam mở rộng cơ sở thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đánh giá của WB, chính sách thuế TNCN hiện chưa bao quát các nguồn thu nhập thuộc diện chịu thuế một cách hợp lý (như thu nhập từ chuyển nhượng tài nguyên số, hoạt động thương mại điện tử hay thu nhập từ trúng thưởng xổ số với giá trị trúng thưởng lớn...).
WB còn khuyến nghị xây dựng chính sách thuế tài sản thống nhất, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản, đưa thuế tài sản trở thành một trong những nguồn thu quan trọng và ổn định cho ngân sách nhà nước; sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến.
Đối với thuế bảo vệ môi trường, WB cho rằng, cần bổ sung đối tượng chịu thuế, thời điểm tính thuế, điều chỉnh khung, mức thuế suất dựa theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa và các thông lệ quốc tế, khuyến khích sản xuất, sử dụng, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần động viên nguồn thu cho NSNN./.