Giá thuốc lá Việt Nam rẻ gần nhất thế giới
Tại Hội thảo “Truyền thông đại chúng với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng (CDS) phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) cuối tuần qua, chủ đề về thuế thuốc lá được các chuyên gia đặc biệt quan tâm, thảo luận.
Hơn 10.000 đồng một bao thuốc lá tại Việt Nam
Theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá sẽ giảm tỉ lệ hút, giảm tử vong do hút thuốc. Từ 31/5/2015 WHO đưa ra thông điệp này và có đầy đủ các bằng chứng để chứng minh.
BS Lâm đưa ra nhiều bằng chứng về tăng thuế thuốc lá sẽ giảm tỉ lệ hút thuốc. Ảnh: Phú Thọ. |
WHO tổng kết ở nhiều quốc gia cho thấy, chỉ tăng 10% thuế bán lẻ thuốc lá, tiêu dùng chung giảm 4% ở nước phát triển, giảm 5% ở nước đang phát triển. Đặc biệt, khi tăng thuế, hút thuốc ở nhóm người nghèo, trẻ em sẽ giảm nhiều hơn, khoảng 10% ở trẻ em và người nghèo.
“Như tại Mỹ giá từ 7 – 8 USD một bao thuốc, trẻ em không có tiền mua. Hay nếu bạn đi Pháp sẽ thấy người ta hay xin, mua của nhau 1 điếu thuốc, vì để mua 1 bao thuốc tốn rất nhiều tiền, mấy chục đô la”, BS Lâm dẫn chứng.
Trong khi đó, thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 70% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 42%. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá gần như thấp nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Cam-pu-chia) và rất thấp so với các nước phát triển.
Nếu thuế thuốc lá tăng gấp đôi, giá thuốc sẽ tăng gấp 3, khả năng tiếp cận thuốc của người dân cũng sẽ giảm đi.
Trong khối ASEAN, Thái Lan là một quốc gia tăng thuế thuốc lá rất đều, là một biện pháp vô cùng quan trọng để giảm tỉ lệ hút thuốc lá. Thuế tính trên giá bán buôn đến 85%. Tại Việt Nam thuế thuốc lá tính theo giá xuất xưởng. Nếu Thái Lan áp theo cách tính thuế của Việt Nam, thì thuế thuốc lá phải là 600% giá xuất xưởng.
Từ năm 1993 – 2015, thuế thuốc lá tại Thái Lan tăng đều, tiêu thụ thuốc lá giảm ngoạn mục và doanh thu từ thuế thuốc lá tăng đáng kể, từ 500 triệu USD (năm 1993) lên đến 2 tỷ USD (năm 2015), với mức tiêu thụ dao động từ 2 – 3 tỷ bao thuốc lá/năm.
Trong khi đó tại Việt Nam, tiêu thụ hơn 4,3 tỷ nhưng thuế thu về chỉ khoảng 700 USD.
Bộ Y tế đề xuất mức thuế cao để bảo vệ sức khỏe người dân
ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, luôn có sự xung đột giữa ngành y tế công cộng và ngành công nghiệp thuốc lá. Một bên muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đưa ra giải pháp để quốc gia có nguồn thu nhập; ngược lại ngành công nghiệp thuốc lá dù biết độc hại nhưng vẫn phải tăng thu.
BS Hải cho biết, Bộ Y tế đã nhiều lần đề xuất tăng thuế thuốc lá. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay vẫn thấp, chưa được như mong muốn. Ảnh: Phú Thọ. |
Trước câu hỏi liệu Bộ Y tế có quá e dè khi đề xuất mức thuế, BS Hải khẳng định: “Bộ Y tế không e rè, luôn đề xuất mức thuế cao, để bảo vệ sức khỏe người dân. Bộ Y tế luôn nỗ lực để tìm ra các bằng chứng, sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế, bài học từ các nước tăng thuế… để đề xuất tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng luật thuế có nhiều ý kiến khác nhau, mức thuế đã tăng rồi nhưng còn khiêm tốn, 5% một lần tăng nên tác động giảm mức tiêu thụ thuốc lá còn rất hạn chế”.
BS Hải cho biết thêm, đây không phải lần đầu Bộ Y tế lên tiếng về tăng thuế thuốc lá. Từ năm 2014 Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp, chuyên gia quốc tế hỗ trợ, nhiều bằng chứng để đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét để tăng mức thuế thuốc lá ở mức cao.
Tuy nhiên, khi đứng trước lựa chọn các mức thuế, Bộ tài chính đã chọn và mức thuế này chưa đáp ứng được mong mỏi của Bộ Y tế, với mức thuế 70% giá xuất xưởng (hiện tại là 42%)..
Theo BS Lâm, việc giá thuốc ở Việt Nam quá rẻ so với các quốc gia, với giá 1 bao thuốc khoảng 10 – 20 nghìn. “Thuốc lá ngày càng rẻ, phổ cập và dễ mua, rất khó để ngăn chặn tác hại của nó”, BS Lâm nói.
BS Hải chia sẻ thêm, mới đây Bộ tài chính có đề xuất tăng thuế và gửi Bộ Y tế xin ý kiến. “Chúng tôi rất mừng, hi vọng lần tăng thuế này sẽ đột biến hơn. Với phương án hiện nay, BYT đề xuất áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, tăng thuế tỉ lệ và tuyệt đối. Tuyệt đối nên thu 2.000/bao thuốc. Thuế tương đối theo lộ trình đến năm 2020 áp dụng 75%”, BS Hải nói.
Theo đó hiện nay, một bao thuốc nếu có giá bán ra 10.000 đồng thì mới thu 3.500 đồng tiền thuế. Nếu áp thêm 2000 đồng một bao thì sẽ thu khoảng 5.500 đồng tiền thuế.
Còn nếu muốn bằng mức trung bình thế giới, 1 bao thuốc 10.000 đồng sẽ phải thu về 5.800 đồng tiền thuế. Còn mức thuế lý tưởng mà WHO đưa ra thì một bao thuốc phải thu được 7.000 đồng tiền thuế.
“Cá nhân tôi đánh giá tăng thuế thuốc không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thuốc lá. Điển hình là Thái Lan, đã tăng thuế 600% so với giá xuất xưởng, sản lượng thuốc lá cơ bản ổn định với 2 tỷ bao nhưng nguồn thu ngân sách tăng từ 500 triệu lên 2 tỷ đô.
Như vậy, vấn đề tăng thuế không ảnh hưởng mạnh đến ngành thuốc lá, sản lượng không thay đổi, giảm ít (2%) mà nguồn thu ngân sách tăng nhiều như vậy.
Theo WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ thuốc lá. Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán thì giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.700 đồng Việt Nam/bao năm 2010 và 11.819 đồng Việt Nam/bao năm 2015 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác PCTH của thuốc lá.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm, với tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%).
Tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Trong đó, tỷ lệ này ở nam giới giảm 5% (từ 47,7% xuống 42,7%). Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40,000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.