Vòng 14 V-League: Bạo lực trên sân và trên khán đài
Điều mà những người điều hành bóng đá nội rất muốn giảm tại V-League đấy là tình trạng bạo lực thấy rõ là vẫn không giảm, đến sau lượt đi của mùa giải năm nay.
Pha vào bóng của Sầm Ngọc Đức (CLB Hà Nội) nhằm vào cầu thủ Hải Phòng trên sân Mỹ Đình có thể nói là không còn gì để mô tả. Thật ra, đấy là pha bóng vẫn còn ở khá xa khung thành của đội bóng thủ đô, Ngọc Đức cũng không có lý do gì để ngăn cản đối phương bằng mọi giá.
Trận đấu cũng chỉ mới bắt đầu chưa lâu, tức là Ngọc Đức cũng hầu như chẳng có lý do gì để đá theo kiểu “ăn thua đủ” với đối thủ.
V-League có quá nhiều hình ảnh không đẹp, trong khi lượng người xem lại ngày một ít (ảnh: Gia Hưng) |
Không bị đặt vào thế phải bảo vệ khung thành, cũng chưa bị khiêu khích đến mức kích động, nhưng Sầm Ngọc Đức vẫn phi 2 chân vào ống đồng của đối phương thì chỉ có giải giải thích bằng thái độ thiếu tôn trọng đồng nghiệp, và thói quen hành xử bạo lực trên sân bóng.
Về lý thuyết, những nhà điều hành giải, Ban kỷ luật VFF nếu đã từng kỷ luật Quế Ngọc Hải theo hướng cấm thi đấu nhiều tháng trời vì lỗi tương tự, nên phạt Ngọc Đức nặng hơn thế. Bởi, bản thân cầu thủ của CLB Hà Nội đã được chứng kiến tiền lệ về án phạt dành cho những pha vào bóng có mức độ tương đương, thì cầu thủ nọ đáng bị phạt nặng do biết lỗi vẫn không chừa!
Không xử lý Sầm Ngọc Đức đến nơi đến chốn, còn gì là kỷ cương của bóng đá Việt Nam, còn gì là mặt mũi của những người đang quản lý giải V-League và quản lý bóng đá nội.
Họ sẽ mất mặt ở chỗ đầu giải, VFF từng khuyến cáo các thành viên tham gia giải về chuyện sẽ xử nặng tay với các hành vi thô bạo, nhưng đến gần cuối giải, người ta vẫn liên tục vi phạm. Hoá ra các đội bóng, các cầu thủ không xem trọng khuyến cáo của VFF!
Một án phạt nặng cũng cần được ban hành đối với hành vi đốt pháo sáng của các CĐV quá khích bên phía đội Hải Phòng, vì đấy cũng chẳng phải lần đầu họ vi phạm.
Tuy nhiên, khi nhắc đến lỗi của một số CĐV quá khích Hải Phòng đốt pháo sáng, cũng phải đề cập luôn đến trách nhiệm của BTC giải: Biết các fan quá khích đất Cảng thường xuyên đốt pháo sáng, nhưng vẫn để lọt những quả pháo sáng đấy vào trong sân thì trách nhiệm thuộc về ai?
Những người điều hành bóng đá Việt Nam, những nhà điều hành V-League cứ tuyên bố, nhưng điều mà họ cần giảm là bạo lực, là những hình ảnh thiếu kiềm chế trên các khán đài không hề giảm, trong khi yếu tố mà họ không hề muốn giảm là số lượng khán giả lại tiếp tục giảm nghiêm trọng.
Chỉ vài trăm người đến sân Thống Nhất dự khán trận Sài Gòn FC – Cần Thơ, tính luôn các lực lượng phục vụ cho trận đấu. Những khán đài thưa người ở sân Long An, nơi đội chủ nhà đang trong cuộc chiến vật lộn với suất xuống hạng, về lý thuyết phải rất đáng xem. “Chảo lửa” thành Vinh nay nguội lạnh, hay sân Nha Trang không giữ được không khí cuồng nhiệt, bất chấp màn so tài của 2 hiện tượng của mùa giải là Khánh Hoà và Quảng Nam. Đấy chính là câu trả lời toàn diện nhất, khách quan nhất về chuyện V-League hiện có hấp dẫn hay không?!
Tổ chức giải đấu mà thiếu khán giả thì thử hỏi hiệu quả ở chỗ nào? Bóng đá mà không có khán giả thì thử hỏi sức sống ở đâu? Rồi người ta duy trì phương thức tổ chức giải dài lê thê, duy trì quá nhiều đội bóng không đủ sức hút với người xem như hiện tại để làm gì?
Kim Điền