Việt Nam tính lại quy mô GDP theo khuyến nghị của UNSD
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN) |
Tính lại quy mô GDP là chuyện không xa lạ trên thế giới và không phải ở Việt Nam chưa có tiền lệ.
Việt Nam tính lại GDP không phải xuất phát từ mong muốn “làm đẹp” số liệu mà từ nhu cầu thực tế và theo khuyến nghị của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD).
Tính tương đối và tính “mở” của GDP
Nới một cách dễ hiểu, tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (một năm).
Để đánh giá hoạt động của một nền kinh tế có hiệu quả hay không chúng ta cần nhìn vào tổng thu nhập mà người dân tạo ra trong nền kinh tế. Chỉ số chính để đo lường kinh tế vĩ mô chính là GDP.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học nổi tiếng từ lâu đã chỉ ra rằng GDP là phương thức đo lường không đầy đủ về sự phát triển kinh tế và thịnh vượng xã hội.
Theo chuyên gia tài chính Urs Rohner, Chủ tịch hội đồng quản trị Credit Suisse Group AG (ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính có trụ sở tại Zürich, của Thụy Sĩ), nhược điểm lớn nhất của GDP là chỉ số này không tính đến giá trị của việc nội trợ, bao gồm chăm sóc trẻ nhỏ và người lớn tuổi trong gia đình.
Một nhược điểm lớn nữa của GDP là không tính đến sự phá hủy giá trị, như khi các quốc gia quản lý sai nguồn nhân lực của họ qua việc trì hoãn cung cấp giáo dục cho một số nhóm dân cư hoặc qua việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vì những lợi ích kinh tế trước mắt… Tuy vậy, hiện tại chưa có một phương thức khả thi khác có thể thay thế chỉ số GDP.
Chuyên gia tải chính Urs Rohner khẳng định: “Chúng ta vẫn chưa giải quyết hết tất cả các vấn đề liên quan tới GDP, nhưng chúng ta đã tiến rất xa trên con đường giảm thiểu những điểm gây sai lệch của chỉ số này.
Thay vì tìm kiếm một khuôn khổ khái niệm mới, mang tính đột phá để thay thế các kỹ thuật phân tích và dữ liệu hiện tại, chúng ta nên tập trung vào việc tạo ra những thay đổi thấu đáo và dần dần nhằm điều chỉnh hệ thống chỉ số GDP hiện hữu.”
Như vậy, GDP có tính tương đối và chúng ta không nên tuyệt đối hóa tất cả những gì liên quan đến GDP. GDP cũng có tính “mở” chứ không “đóng khung,” bất biến.
Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD) đưa ra 3 vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức theo quý, năm hoặc định kỳ.
Ba vòng điều chỉnh sẽ được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.
Vòng 1. Đánh giá lại số liệu quý: Xử lý những thay đổi về số liệu ước tính, số sơ bộ khi có đầy đủ thông tin hơn của kỳ báo cáo.
Vòng 2. Đánh giá lại số liệu hàng năm: Xử lý những chênh lệch giữa số liệu quý và số liệu năm đối với số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức.
Vòng 3. Đánh giá lại số liệu định kỳ: Xử lý các vấn đề lớn, không thể tiến hành thường xuyên như cập nhật nguồn thông tin, bổ sung phạm vi từ các cuộc tổng điều tra; thay đổi năm gốc; thay đổi khung lý thuyết; thay đổi các bảng phân ngành…
Theo UNSD, vòng 1 và vòng 2 là những đánh giá lại mang tính ngắn hạn và được hầu hết các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 là thực hiện việc điều chỉnh lớn, thường được triển khai theo các giai đoạn nhất định phụ thuộc vào kết quả tổng điều tra, nhu cầu cập nhật phương pháp luận mới, nhu cầu cập nhật gốc so sánh cũng như các bảng phân loại theo khuyến nghị của quốc tế.
Các thông tin từ các cuộc tổng điều tra sẽ được dùng làm căn cứ để đánh giá lại số liệu do chúng có tính toàn diện và bao trùm. Những quốc gia có trình độ thống kê cao đã thực hiện tốt việc đánh giá lại ngắn hạn, cập nhật, đánh giá lại thường xuyên theo số liệu tổng điều tra và điều tra toàn bộ nên ít phải thực hiện đánh giá lại vòng 3.
Những quốc gia còn có bất cập về phạm vi, nguồn thông tin nhưng không có khả năng xử lý thường xuyên thì cần phải tiến hành đánh giá lại vòng 3 để nâng cao chất lượng số liệu, đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” và tính so sánh theo dãy năm và so sánh quốc tế.
Như vậy, theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, việc định kỳ đánh giá lại các thông số liên quan đến GDP ở các nước có trình độ phát triển chưa cao là điều cần thiết.
Tính lại GDP - chuyện bình thường trên thế giới
Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Trung Quốc, Italy, Croatia, Indonesia, Zambia... đã tiến hành điều chỉnh và công bố lại quy mô GDP cùng các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.
Liên bang Nga đã từng tính lại GDP trong các năm 2014, 2015 và 2016, theo đó chỉ số GDP của từng năm được điều chỉnh tăng lên so với các con số được nêu ra trước đó. Riêng năm 2013 GDP của Nga được đánh giá lại tăng khoảng 24,3%. Lý do là GDP trước đó đã không được “tính đúng, tính đủ.”
Về mức tăng trưởng GDP của Nga năm 2018, Bộ Phát triển kinh tế từng nhiều lần thay đổi mức dự báo, lần lượt là 2,1%, 1,9% và 1,8%, cuối cùng chốt lại ở con số 2%.
Đầu năm nay, Tổng cục Thống kê Liên bang Nga lại đưa ra con số dự báo là GDP năm 2018 tăng 2,3% với lời giải thích: Có sự biến động GDP là do tính lại mức phát triển của ngành xây dựng. Số liệu “tươi rói” mới được thống kê cho thấy, nếu như năm 2017 ngành xây dựng sụt giảm 1,2%, trong năm 2018 lại nhảy vọt lên 4,7%.
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trung Quốc cũng đã 3 lần đánh giá lại quy mô GDP dựa vào thông tin từ các cuộc Tổng điều tra năm 2004, 2008 và 2013. Kết quả sau khi đánh giá lại năm 2013 cho thấy quy mô GDP giá hiện hành năm 2013 của Trung Quốc được bổ sung khoảng 305 tỷ USD, tương đương tăng 3,4%.
Năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đánh giá lại quy mô GDP trên cơ sở thay đổi cách hạch toán hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), bổ sung dịch vụ nhà tự có tự ở.
Kết quả điều chỉnh này đã bổ sung 141 tỷ USD (khoảng 1,3%) vào mức gần 11.000 tỷ USD quy mô GDP năm 2015 của Trung Quốc…
Năm 2013, Mỹ công bố kết quả tính toán GDP theo cách tiếp cận mới trên cơ sở cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008.
Theo đó, quy mô GDP của Mỹ năm 2012 được cộng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Đây là kết quả của sự thay đổi phạm vi tính GDP nhằm phù hợp với quan điểm hiện đại về tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong đó có sự thay đổi về cách xử lý tài sản sở hữu trí tuệ.
Hoạt động nghiên cứu và phát triển được nhìn nhận là một ngành kinh tế độc lập và tính vào tích lũy tài sản cố định thay vì được coi là sản phẩm phụ và tính vào chi phí đầu vào của quá trình sản xuất như trước đây. Theo lý thuyết về tài khoản quốc gia, đánh giá lại này thuộc vòng 3.
Năm 2012 Canada công bố kết quả đánh giá lại dãy số GDP từ năm 2007-2011 sau khi thực hiện cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008; cập nhật nguồn thông tin hiện có và bổ sung thông tin mới phát sinh; cập nhật các bảng phân loại mới… Kết quả là sau khi đánh giá lại quy mô GDP giá hiện hành năm 2011 của Canada tăng thêm 2,4% (tương đương tăng 36,4 tỷ USD).
Nhiều nước khác cũng tiến hành cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 theo khuyến nghị của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc. Theo đó, quy mô GDP giá hiện hành của các nước này cũng thay đổi đáng kể: Ghana tăng 60%, Nigeria tăng 59,5%, Malpe tăng 37%, Kenya tăng 25%, Zambia tăng 25%, Indonesia tăng 6,45%, Malaysia tăng 3,2%...
Các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cũng đã điều chỉnh tăng quy mô GDP do bổ sung số liệu về một số hoạt động kinh tế ngầm vào GDP (tùy theo luật pháp của mỗi nước. Sau khi điều chỉnh GDP của Đức tăng khoảng 3%, Italy tăng khoảng 7%, Bulgaria tăng 31,2%...
Tính lại GDP ở Việt Nam - đã có tiền lệ
GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng trong hệ thống tài khoản quốc gia. Chỉ tiêu này không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng như cơ cấu kinh tế, năng suất lao động xã hội, tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công của chính phủ và các chỉ tiêu có liên quan khác.
Theo Tổng cục Thống kê, cơ quan này đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP ở Việt Nam và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc đánh giá lại quy mô GDP lần này là đúng thời điểm.
Tổng cục Thống kê khẳng định rằng “cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế” và đây không phải là lần đầu tiên quy mô GDP của Việt Nam được tính lại.
Năm 2013, Tổng cục Thống kê đã thực hiện việc đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012, trong đó tập trung đánh giá lại ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản (hoạt động nhà ở tự ở, tự có); thay đổi phân ngành kinh tế từ Hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân năm 1993 sang Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam năm 2007.
Còn lần này, phạm vi đánh giá lại quy mô GDP giới hạn trong việc xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất theo quy định của Việt Nam.
Ông Emnanuel Manolikakis, chuyên gia tư vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng đối với các quốc gia đang phát triển thì thách thức lớn nhất là làm sao có thể nắm bắt được tất cả các số liệu của các doanh nghiệp một cách kịp thời và đầy đủ, trong khi các doanh nghiệp này đang phát triển với tốc độ khá nhanh.
Đối với Việt Nam vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ.
Ông Emnanuel Manolikakis đánh giá rất cao nỗ lực của Tổng cục Thống kê ở Việt Nam thời gian qua trong việc phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan để xác định và đánh giá các khu vực kinh tế nhằm đảm bảo sự đo lường, tính toán được tất cả các hoạt động trong nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp Chính phủ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Mới đây, chia sẻ trước đông đảo đại diện các lực lượng nhân sĩ trí thức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Trên cơ sở báo cáo đã được trình Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo sẽ cho công bố đánh giá lại quy mô GDP trong 10 năm, từ 2007-2017 theo thông lệ quốc tế, với sự trợ giúp tích cực Tổ chức Tiền tệ quốc tế IMF và chuyên gia của Liên hợp quốc. Theo cách đánh giá này, Quy mô nền kinh tế tăng 24,6%.
Phó Thủ tướng cũng thông tin nêu rõ: Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo dùng hệ thống chỉ tiêu cũ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đại hội và Kế hoạch 5 năm, nhưng đồng thời phải căn cứ vào chỉ tiêu đánh giá lại GDP để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Như vậy việc tính lại GDP rõ ràng không vì mục đích "tô hồng" hay “làm đẹp thành tích" cho Chính phủ mà chính là một việc nên làm và cần làm để từ đó có những cơ sở kinh tế chính xác hoạch định chặng đường phát triển của đất nước giai đoạn sắp tới./.
Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)