Việt Nam - Thái Lan: Trận chiến sống còn
*Trận đấu diễn ra lúc 15h hôm nay (theo giờ Hà Nội), trực tiếp trên VnExpress.
Thái Lan là nỗi sợ hiện hữu của Việt Nam ở SEA Games. Không muốn nói ra thời điểm này, nhưng ít nhất đó là sự thật lịch sử.
Đội bóng xứ chùa Vàng từng vài lần thất bại ở vòng bảng, nhưng chưa bao giờ gục ngã dưới chân các cầu thủ Việt Nam. Chênh lệch giữa hai đội được thể hiện rõ nhất là giai đoạn 1995-2005, khi các đội tuyển của chúng ta bị họ cướp Vàng trong bốn trận chung kết. Việt Nam thậm chí chỉ ghi được đúng một bàn của Văn Quyến tại Mỹ Đình năm 2003.
13 HC vàng trong 18 kỳ Đại hội gần nhất là minh chứng cho thấy Thái Lan ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại. Tuy nhiên, Malaysia, Singapore hay Indonesia đều từng đánh bại "ông kẹ" này, còn Việt Nam... thì không. Giới chuyên môn đều cho rằng các cầu thủ của chúng ta thường có dấu hiệu tâm lý và không phô diễn được hết tài nghệ mỗi khi hai đội chạm mặt. Nhiều giải đấu Việt Nam khởi đầu thăng hoa, nhưng khi đối đầu Thái Lan lại chùn chân mỏi gối.
Chỉ cần một chút điều chỉnh trong khâu dứt điểm và giữ vững tinh thần, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ tình thế. Ảnh: Đức Đồng |
Dường như Thái Lan cũng thấu hiểu việc họ là khắc tinh của Việt Nam. Trước trận chiến sinh tồn tại Selayang chiều nay, tờ Siam Sport đã chỉ ra ba yếu tố giúp đội nhà có thể giành chiến thắng. Trong đó, “nỗi sợ” của Việt Nam là điều được họ nhắc đến đầu tiên. Có thể thấy, sự tự tin giúp Thái Lan tiến thêm một bậc, và ngược lại Việt Nam khó lòng thể hiện tối ưu khả năng nếu chịu áp lực vô hình.
Nhưng lịch sử cũng chỉ là yếu tố để tham khảo. Thái Lan cũng có những thời kì suy yếu, đặc biệt là ở SEA Games – sân chơi dành cho lứa U23 kể từ năm 2001. Đội bóng xứ chùa Vàng phải xách vali về nước ngay từ vòng bảng các năm 2009 và 2011. Bởi khi đó, họ không sở hữu những cầu thủ trẻ chất lượng.
Đội tuyển quốc gia của họ thường đảm bảo sự ổn định hơn bởi đó là tập hợp những cầu thủ tốt nhất của nhiều thế hệ. Nhưng U23 lại khác, và qua bốn lượt đầu tiên bảng B năm nay Thái Lan chưa phô diễn được sức mạnh như danh tiếng vốn có. Chỉ có điều người hâm mộ chưa thực sự hiểu được đội quân của HLV Worrawoot Srimaka đã tung hết sức hay còn giấu bài.
Việt Nam có lợi thế không nhỏ trận này, vì chỉ cần một trận hòa để thẳng tiến tới bán kết. Mục tiêu đó phần nào giúp các cầu thủ cảm thấy dễ đá hơn. Chấn thương của Duy Mạnh là tổn thất không nhỏ, trong bối cảnh tuyến giữa cần chất thép để giữ vững thế trận. Nhưng HLV Hữu Thắng nhiều khả năng sẽ không chỉnh sửa kết cấu nhân sự so với những trận vừa qua.
Việt Nam không thiếu những tài năng có thể làm nên chuyện lớn ở SEA Games năm nay. Ảnh: Đức Đồng |
Giấc mơ vàng SEA Games đã được nung nấu từ cách đây cả chục năm, tại vùng rừng núi Pleiku. Bầu Đức góp công lớn sản sinh ra những cầu thủ tài năng, chiếm hơn nửa đội hình chính Việt Nam lúc này. Ông xây dựng cả một học viện bóng đá cũng để thỏa cơn khát vàng cho hàng triệu tín đồ túc cầu Việt. Bây giờ Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Hồng Duy và Công Phượng sẽ phải “tốt nghiệp” trước bài thi mang tên Thái Lan.
Đối thủ có thể đã giấu bài rất tốt, nhưng lứa cầu thủ trẻ của họ từng gục ngã nhiều lần trước Công Phượng và các đồng đội. Chữ Việt trong Việt Nam có nghĩa là “vượt”. Chỉ cần vượt lên nỗi sợ hãi để là chính mình, cơ hội vượt qua vòng bảng cho các học trò của HLV Hữu Thắng sẽ rộng mở.
Đối đầu tại SEA Games
1995: Việt Nam 1-3 Thái Lan
Việt Nam 0-4 Thái Lan (chung kết)
1997: Việt Nam 1-2 Thái Lan
1999: Việt Nam 0-0 Thái Lan
Việt Nam 0-2 Thái Lan (chung kết)
2003: Việt Nam 1-1 Thái Lan
Việt Nam 1-2 Thái Lan (chung kết)
2005: Việt Nam 0-3 Thái Lan (chung kết)
2009: Việt Nam 1-1 Thái Lan
2015: Việt Nam 1-3 Thái Lan
Đội hình dự kiến của Việt Nam: Minh Long - Văn Thanh, Tiến Dũng, Văn Khánh, Văn Hậu – Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy - Công Phượng, Đức Chinh