Vì sao Tổng thống Trump muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran?
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, khóa 72 ở New York, ông Donald Trump đã nhắc lại những lời chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, sau những lời chỉ trích của ông Trump đã có những ý kiến trái chiều từ các nước thành viên LHQ, nhất là từ các đồng minh châu Âu của Mỹ, khiến dư luận quan tâm.
Từ giá trị thực của JCPOA…
JCPOA, được Iran và nhóm P5+1 gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc) và Đức ký kết ngày 14/7/2015, giúp chấm dứt những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Theo JCPOA, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân, đặt các cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của IAEA; chuyển một phần Urani được làm giàu ra nước ngoài; chuyển đổi nhà máy sản xuất nhiên liệu Fordo thành trung tâm nghiên cứu vật lý hạt nhân không có khả năng làm giàu Urani, đổi lại phương Tây sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này.
Iran là quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, có trữ lượng dầu thô gần 158 tỷ thùng và khí đốt tới 33.800 tỷ m3, đứng thứ tư và thứ hai trên thế giới. GDP của Iran vào khoảng 500 tỷ USD, chỉ sau Saudi Arabia. Tuy nhiên, nền kinh tế này đã gần như tê liệt sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt từ năm 2006.
JCPOA có hiệu lực từ ngày 16/1/2016. Đây là một thành công rất lớn sau 12 năm đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1. Giới phân tích cho rằng, JCPOA chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo thế giới, mặc dù bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng vẫn có thể cùng nhau đàm phán, giải quyết tốt một vấn đề chung.
JCPOA đã giúp làm giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, gia tăng hiệu lực của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) trên phạm vi toàn cầu và mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran với các nước phương Tây.
Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế với Iran là bước ngoặt đặc biệt quan trọng, đem lại cơ hội phát triển cho Iran và khu vực. Tới nay, sản lượng dầu thô của Iran đạt gần 3,8 triệu thùng/ngày, xuất khẩu dầu tăng từ 0,9 triệu thùng/ngày (2015) lên 2 triệu thùng/ngày.
Iran cũng đã ký nhiều hợp đồng năng lượng với các công ty hàng đầu thế giới của Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và đang tái hội nhập với thế giới trong quan hệ đa phương và nâng cao vị thế khu vực.
Giới quan sát cho rằng, JCPOA không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn giúp Iran thoát khỏi khủng hoảng, thân thiện hơn với cộng đồng quốc tế, tạo tiền đề cho việc giải quyết những vấn đề nóng mà thế giới quan tâm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói: “Thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran và thế giới”, đồng thời là cơ hội để Iran phát triển, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Đến lợi ích của Mỹ
Được biết, Washington không lấy lý do Iran vi phạm các điều khoản của JCPOA, mà cho rằng, cần phải thương lượng lại các điều khoản của JCPOA. Nếu không, phía Mỹ sẽ từ chối tham gia thỏa thuận này.
Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã cho rằng, JCPOA là “một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất” mà ông từng chứng kiến. Ông cảnh báo văn kiện này sẽ không thể ngăn được Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump không ngừng tìm mọi lý lẽ để phủ nhận những giá trị mà JCPOA mang lại. Hồi tháng 7, ông Trump còn ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran, bất chấp việc Iran được các nước châu Âu và IAEA ghi nhận là thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong JCPOA.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khi trả lời báo giới ngày 15/8, cũng cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm vì “phóng tên lửa, ủng hộ khủng bố, coi thường nhân quyền và vi phạm nghị quyết của HĐBA”. Bà Haley nhấn mạnh: “Iran không thể dùng JCPOA để bắt cả thế giới làm con tin. Thỏa thuận này không lớn đến mức không thể hủy bỏ”.
Ngày 19/9, trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Trump đã gọi Iran là chế độ theo đuổi “sự hủy diệt và chết chóc”, còn JCPOA là “nỗi hổ thẹn” đối với nước Mỹ. Và cảnh báo, Washington sẵn sàng đơn phương rút khỏi JCPOA.
Theo Washington, JCPOA với các biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran sẽ hết hiệu lực vào năm 2025 và sau đó “không ai có thể kiểm soát được”. Ông Rex Tillerson còn cho đây là một tiền lệ vô cùng xấu cho một thỏa thuận tương tự (nếu có) với Bình Nhưỡng.
Giới phân tích cho rằng, thực chất đòi hỏi của ông Trump là nhằm gây sức ép buộc Iran “thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông”, làm yên lòng hai đồng minh khu vực là Israel và Saudi Arabia, vốn quan ngại Iran có kế hoạch mở một hành lang qua lãnh thổ Iraq tới Syria đe dọa an ninh của họ.
Mặt khác, đây cũng là thời điểm mà ông Trump cần thực hiện những lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử. Ông nói rằng, Washington không hài lòng việc Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua việc can thiệp vào Yemen, Syria và cung cấp vũ khí cho Hezbollah… Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng nào cho thấy Tehran có những động thái trên.
Và sự phản ứng khác nhau
Sau phát biểu của Tổng thống Trump, các đồng minh khu vực của Mỹ, nhất là Israel đã nhiệt liệt ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều nước, nhất là các đồng minh châu Âu đã không ủng hộ Mỹ, họ cho rằng, nếu JCPOA bị ngưng trệ sẽ gây thiệt hại lớn cho kinh tế nhiều nước, trong đó có châu Âu.
Ngày 21/9, các nước thuộc Nhóm P5+1, từng ký JCPOA đã đồng loạt lên tiếng bảo vệ Thỏa thuận trước việc Mỹ công kích và đòi phải thương lượng lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Tổng thống Pháp Macron cho rằng, việc Mỹ từ chối JCPOA sẽ là một “quyết định sai lầm và vô trách nhiệm”.
Ông Macron nói: “Mớ bòng bong về chương trình hạt nhân Triều Tiên vẫn chưa tìm được nút thắt để tháo gỡ, nếu Mỹ lại khơi mào cho những rắc rối mới bằng cách xóa bỏ JCPOA, thế giới có thể sẽ bị đẩy đến những đe dọa tiềm tàng của bài toán hạt nhân không hồi kết”.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cho biết: Nga “cực kỳ quan ngại” về quan điểm của ông Trump đối với JCPOA và sẽ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận này. Áo cũng không tán thành lập luận của Mỹ, bởi nước này đã lên kế hoạch tăng kim ngạch thương mại với Iran lên gấp 5 lần đến năm 2020.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, nếu JCPOA bị hủy bỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực không phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lại tuyên bố các nước phải tôn trọng JCPOA, nếu muốn khuyến khích các nước khác, đặc biệt là Triều Tiên xem xét lại chương trình hạt nhân của họ.
Các công ty năng lượng quốc tế (Shell, Total, Petronas, Rusneft, Sinopec, Inpex....) đã đạt được thỏa thuận về việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Iran. Công ty Airbus (Pháp) ký hợp đồng bán 100 máy bay trị giá 20 tỷ USD, công ty Boeing (Mỹ) cũng ký hợp đồng bán 80 máy bay trị giá 16,6 tỷ USD cho Iran, cũng lo ngại về quan điểm của ông Trump.
Còn Tổng thống Iran, ông Rouhani phát biểu nhấn mạnh, Iran không theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân và cũng không có ý định rút khỏi JCPOA. Theo ông, việc nâng cao năng lực sử dụng tên lửa đạn đạo là nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân.
Như vậy, JCPOA là một trong những thành công của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran. Sau hơn hai năm JCPOA có hiệu lực, các bên ký kết, đặc biệt là Iran đã tuân thủ nghiêm ngặt Thỏa thuận này được quốc tế kể cả Mỹ công nhận.
Tuy nhiên, với quan điểm “khác lạ” của mình, Tổng thống Trump đã dọa sẽ đơn phương rút khỏi JCPOA, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan ngại và cho rằng, rất có thể ông Trump tiếp tục kế thừa chiến lược “Đại Trung Đông mới” từ người tiền nhiệm với phương châm “Đừng bao giờ ngừng chiến” và “Các biên giới đẫm máu. Trung Đông có thể tốt hơn”./.
CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN