0 giờ ngày 3/11 (theo giờ Mỹ), tức trưa 3/11 (theo giờ Việt Nam), cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã chính thức bắt đầu với việc các cử tri tại thị trấn Dixville Notch ở bang New Hampshire đi bỏ phiếu.

Đây là nơi cử tri đi bầu sớm nhất nước Mỹ trong Ngày bầu cử.

Dixville Notch nằm gần biên giới Canada và kể từ năm 1960 đến nay, thị trấn này có truyền thống đi bỏ phiếu đầu tiên tại Mỹ.

Các cử tri tại thị trấn láng giềng Millsfield cũng bắt đầu thực hiện quyền công dân của mình vào đêm 2/11.

Theo CNN, kết quả kiểm phiếu tại chỗ cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã giành được 5 phiếu ở thị trấn này, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không giành được phiếu nào.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hilary Clinton đã đánh bại đối thủ là ông Donald Trump ở Dixville Notch với 4 phiếu ủng hộ.

Hầu hết các điểm bỏ phiếu tại Bờ Đông của Mỹ sẽ mở cửa vào 6 giờ hoặc 7 giờ ngày 3/11 (theo giờ địa phương), tức 18 giờ hoặc 19 giờ ngày 3/11 (theo giờ Việt Nam).

Ngày 2/11, một ngày trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, Giáo sư-Tiến sĩ Meena Bose tại Đại học Hofstra ở New York nhận định nhiều khả năng nước Mỹ sẽ không thể sớm có kết quả bầu cử bởi việc kiểm nhiều loại phiếu bầu - cả trực tiếp và qua bưu điện - sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhất là khi các quy định bỏ phiếu và kiểm phiếu ở mỗi bang không giống nhau.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York, Giáo sư Bose dự đoán, tới khoảng 23 giờ Ngày Bầu cử 3/11, nước Mỹ sẽ biết được ứng cử viên nào chuẩn bị được công bố trúng cử hoặc khi nào các bang "chiến địa" như Pennsylvania, Michigan và Florida kiểm phiếu xong.

Nếu chưa thể ngã ngũ vào cuối ngày 3/11, kết quả sau đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bang vừa đề cập là Pennsylvania và Michigan.

Vấn đề xác thực kết quả kiểm phiếu ở các bang như Arizona hay North Carolina cũng có thể là nguyên nhân khiến quá trình kiểm phiếu bị chậm lại.

Về khả năng một trong hai ứng cử viên có thể yêu cầu phủ nhận kết quả bầu cử, Giáo sư Bose cho biết luật pháp Mỹ cho phép ứng cử viên tổng thống có quyền không công nhận kết quả bầu cử.

Trên thực tế, tình trạng đó đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.

Thậm chí, vấn đề tranh cãi kết quả kiểm phiếu có thể phải đưa ra tòa án của bang hay tòa án liên bang nếu được yêu cầu.

Bà cho biết nếu kết quả về phiếu bầu phổ thông và phiếu bầu đại cử tri quá khác biệt thì tranh chấp có thể xảy ra.

Ngoài ra, vấn đề kiểm phiếu ở những bang "chiến địa" như Florida, Pennsylvania và cả Texas cũng có thể là nguyên nhân khiến một trong hai đảng quyết định không công nhận kết quả bỏ phiếu.

Như vậy, khả năng một đảng phủ nhận kết quả trúng cử của đảng còn lại có xảy ra hay không phụ thuộc kết quả thắng cử của một bên có thuyết phục và áp đảo không.

Đề cập đến kết quả khảo sát công bố những ngày vừa qua cho thấy ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ đang dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ở một số bang chủ chốt, Giáo sư Bose cho rằng điều đó không đồng nghĩa kịch bản tương tự năm 2016 sẽ xảy ra.

Theo bà, việc dự báo dựa trên các kết quả thăm dò vẫn còn là câu hỏi hóc búa, ngay cả đối với các chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ lâu năm.

Bà nói thêm các cuộc thăm dò toàn quốc hồi 2016 đã không dự đoán được khả năng phiếu đại cử tri ở các bang "chiến địa" như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin ngả sang phe Cộng hòa vào phút chót, nhất là Wisconsin bởi nhìn lại lịch sử thì bang này không bầu cho phe Cộng hòa từ năm 1994 và Michigan cũng không bầu cho đảng Cộng hòa kể từ năm 1998.

Trong cuộc bầu cử năm nay, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy có sự ổn định hơn hẳn so với hồi 2016, đồng thời các chuyên gia cũng đưa vào khảo sát một số tiêu chí có thể khiến kết quả nghiên cứu chính xác hơn, ví dụ như trình độ học vấn của cử tri, đồng thời họ cũng khắc phục những lỗi mắc phải trong quá trình tiến hành khảo sát trước đây để kết quả khảo sát có thể tiệm cận hơn với kết quả cuối cùng của kỳ bầu cử./.