Vì sao AR, VR là xu hướng công nghệ tương lai gần
Những năm gần đây, thực tế ảo (VR-Virtual Reality) và thực tế tăng cường (AR-Augmented Reality) là hai cụm từ được nhắc đến rất nhiều. Apple mới đây đã phát triển nền tảng ARKit cho iOS, Google với ARCore cho Android hay game Pokemon Go dựa trên thực tế tăng cường... Trong khi các thiết bị như kính thực tế ảo Oculus Rift hay Google Cardboard lại liên quan đến thực tế ảo.
Thực tế ảo và thực tế tăng cường
Thực tế ảo là các nội dung đưa người dùng đến một thế giới mới hoàn toàn khác dù vẫn đang đứng ở thực tại, thông qua kính thực tế ảo. Khi đã mang kính, người trải nghiệm sẽ không còn nhận thức được những thứ xung quanh, thay vào đó là những hình ảnh 360 độ do kính thực tế ảo mang lại.
Với thực tế ảo, việc chu du trên các vì sao, đến vùng Viễn Tây xa xôi của nước Mỹ, lặn xuống đại dương... là điều cực kỳ dễ dàng. Tất nhiên, đây là hình ảnh do máy tính, điện thoại... mang lại, bạn chỉ có thể nhìn, không thể sờ vào nó.
Chơi game với thực tế ảo mang lại trải nghiệm thú vị. |
Trong khi đó, thực tế tăng cường tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, không phải tách người dùng ra một không gian riêng như thực tế ảo. Cụ thể hơn, thực tế tăng cường có thể hỗ trợ tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật như chạm, có thể phủ một lớp hình ảnh lên trên ảnh thật... Pokemon Go "làm mưa làm gió" năm ngoái là ví dụ điển hình nhất: các pokemon ảo xuất hiện trên nền ảnh thực (thông qua camera) và người chơi cần ném pokeball (bằng thao tác vuốt) để bắt chúng.
Mới đây, một số ứng dụng của các hệ thống nội thất tại Mỹ đã phát triển dựa trên thực tế tăng cường - cho phép người dùng sắp xếp nội thất trong phòng trước khi mua. Microsoft HoloLens là thiết bị thực tế tăng cường nổi tiếng, cho phép người dùng không chỉ thấy vật ảo mà còn tương tác chúng với thực tế bên ngoài.
Thực tế ảo và thực tế tăng cường làm được những gì?
Với đặc thù riêng, thực tế ảo sẽ phù hợp để giải trí. Như đã đề cập, việc "du lịch qua màn ảnh nhỏ" sẽ không còn nhàm chán thông qua màn hình máy tính hoặc tivi. Thay vào đó, chỉ cần đội lên đầu chiếc kính thực tế ảo, người dùng có thể nhìn tận mắt các kỳ quan thế giới hiện tại, thậm chí cả quá khứ và tương lai tùy theo nội dung.
Bên cạnh đó, thực tế ảo cũng có thể giúp người dùng xem được phối cảnh ngôi nhà mà mình đang định xây dựng thông qua hình ảnh hiển thị trên kính. Việc trải nghiệm phim, game 360 độ... hay đơn giản là duyệt web, mạng xã hội cũng thú vị hơn rất nhiều so với thông thường.
Pokemon Go là game giúp thực tế tăng cường được nhiều người biết tới hơn. |
Thực tế tăng cường có thể được ứng dụng trong đời sống nhiều hơn. Pokemon Go đã cho thấy tiềm năng phát triển game thực tế tăng cường lớn đến như thế nào. Tuy nhiên, không chỉ game, công nghệ này còn được ứng dụng vào những thứ hữu ích khác như xem trước màu sơn cho chiếc xe mình định mua, bố trí màu sơn cho ngôi nhà, ướm trước áo quần định mua mà không cần phải mặc, đo kích thước vật thể mà không cần dùng đến dụng cụ truyền thống...
Tương lai phát triển
Với việc phải phụ thuộc vào phần cứng chuyên dụng, thực tế ảo đang bị hạn chế khá nhiều. Để sử dụng, người dùng buộc phải có một chiếc kính thực tế ảo, sau đó là tay cầm đi kèm. Hầu hết kính thực tế ảo hiện nay đều phải kết nối dạng có dây với thiết bị, từ đó tạo nên sự vướng víu.
Đó là chưa kể, việc đầu tư thiết bị phục vụ thực tế ảo cực kỳ tốn kém nếu muốn trải nghiệm nội dung này ở chất lượng cao. Cardboard của Google chỉ hơn 10 USD, Samsung Gear VR khoảng 100 USD nhưng Oculus Rift có giá xấp xỉ 600 USD hay HTC Vive Pre giá khoảng 800 USD. Ngoài ra, phần cứng phục vụ nó cũng phải mạnh và đây chính là rào cản phát triển lớn nhất đối với thực tế ảo.
Thực tế tăng cường có tính ứng dụng đa dạng hơn, trong đó có phối ghép đồ đạc trong phòng mà không cần phải mua sản phẩm. |
Thực tế tăng cường đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn bởi tính ứng dụng của nó đa dạng hơn. Không những thế, phần cứng cho nó cũng đơn giản hơn. Một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng có camera và cảm biến nhận dạng tốt là đủ.
"Smartphone chứ không phải những thứ phức tạp như HoloLens mới chính là tương lai của thực tế tăng cường", một chuyên gia nói với Cnet.
Hiện tại, các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu đã nhận thấy tiềm năng của thực tế tăng cường. Apple, Google, Microsoft, HTC... đều đang tập trung cả nền tảng phần cứng lẫn phần mềm cho thực tế tăng cường đã cho thấy điều đó.
Tất nhiên, thực tế ảo và thực tế tăng cường vẫn sẽ tồn tại song song với nhau, bởi chúng đều có những ưu điểm riêng. Thực tế tăng cường sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, nhưng thực tế ảo cũng sẽ mang đến những trải nghiệm mà thực tế tăng cường không có được. Rất có thể, một thời gian nữa thực tế ảo sẽ phổ biến, khi mà giá thành thiết bị phục vụ nó giảm xuống.
Bảo Lâm