Về Hội An vui hội Bài Chòi
Bài Chòi là một trò chơi dân gian, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa) thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hay lễ hội.
Bài Chòi lưu giữ bản sắc của cư dân bản địa với những giá trị văn độc đáo và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân miền Trung gìn giữ từ bao đời. Với những giá trị văn hóa đó, Bài Chòi vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bài Chòi vừa được UNESSCO công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại. |
“Gió xuân phảng phất nhành tre
Mời bà con, cô bác lắng nghe Bài Chòi…”
Tiếng trống hội rộn rã, những lời hô xướng, mời gọi mở hàng của anh Hiệu, chị Hiệu là người hô Bài Chòi, thu hút sự chú ý mọi người tập trung về khu vực vườn tượng An Hội, bờ Tây sông Hoài, đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Sau lời hát mở màn, anh Hiệu và chị Hiệu hô hát giới thiệu các quân bài. Bộ Bài Chòi gồm có 30 lá chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi được vào ngồi trong những chòi nhỏ. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội Bài Chòi bắt đầu thì mỗi người chơi Bài Chòi tay cầm 3 con bài do họ tự chọn.
Anh Hiệu, chị Hiệu bước ra lấy ống thẻ xóc đi, xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần như vậy, hai anh chị Hiệu hô câu hát mang tên con bài. Chòi nào giữ quân bài vừa được hô tên thì người chơi cầm cái mõ gõ lên ba tiếng hoặc hô vang “có đây” và được trao một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi nào ăn đủ 3 con (tức là được 3 cờ) thì hô to "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài. Ngay lúc này trống tum, trống cán ở chòi cái vang lên liên hồi, báo hiệu có người thắng cuộc.
Một người thắng cuộc được tặng thưởng chiếc đèn lồng Hội An chia sẻ niềm vui: "Tôi rất vui khi là người thắng trò chơi này. Tôi rất thích Bài Chòi, một di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO vinh danh. Tôi thấy Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật đặc sắc và thú vị. Thông qua Bài Chòi tôi thấy dường như mình gần gũi và hiểu người Quảng Nam hơn".
Bài Chòi hiểu nôm na là chơi bài trên chòi. Khi chơi Bài Chòi người ta dựng 10 chiếc chòi con và 1 chòi chính giữa còn gọi là chòi cái. Người chơi ngồi trên các chòi con, còn anh Hiệu, chị Hiệu đứng ở chòi trung tâm. Thế nhưng ở Trung Bộ, từng thời điểm, có nơi không dựng chòi, chỉ trải chiếu, bày ghế rồi dựng cây nêu, treo ống bài nọc… để chơi Bài Chòi.
Lời hô hát Bài Chòi được truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy, thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp Trung bộ. Sau này cũng chính từ dân gian đúc kết lại để ra đời các làn điệu dân ca Nam Trung bộ như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng... cộng với ảnh hưởng của lối hát, lối nói tuồng mà hình thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu mới gọi là kịch hát Bài Chòi.
Bài Chòi thường được chơi vào dịp Tết, hội hè. Ảnh: Khanh Đặng |
Mỗi dịp Tết hay hội hè, người chơi Bài Chòi không chỉ để giải trí mà thích nghe lối hô hát Bài Chòi, đậm chất dân gian của các anh Hiệu, chị Hiệu. Có người tìm đến trò chơi Bài Chòi chỉ vì mê giọng hát, tài ứng biến dí dỏm của anh Hiệu. Đến Đô thị cổ Hội An chơi Bài Chòi, người dân và du khách gần xa khá quen thuộc với anh Hiệu - Nguyễn Đán, một người từng gắn bó với hô hát Bài Chòi từ những năm 1980. Với lối hô hát, diễn xuất duyên dáng, ứng biến linh hoạt, hài hước, ông Nguyễn Đán được ví là một trong những người “giữ hồn” của Bài Chòi phố cổ.
Ông Nguyễn Đán chia sẻ: "Trong nghề này, khó nhất của người diễn viên là làm thế nào để quyến rũ khách đến. Cũng như một người diễn hài trên sân khấu, khi nói ra một câu tấu hài mà không có người cười thì mình cảm thấy hụt hẫng. Trong nghề này cũng vậy, khi hát thì đầu óc phải tập trung. Đây là một kinh nghiệm mà thế hệ trẻ sau này cần phải chú ý. Khi rút một quân bài ra thì phải biết quân bài đó tên gì, sẽ hát gì, tập trung vào nội dung và ý tưởng để hát".
Chị Nguyễn Thị Lệ Nga, một người con của Đô thị cổ Hội An đam mê hát Bài Chòi từ thuở nhỏ. Theo chị Nga, làm anh Hiệu hô hát Bài Chòi đã khó, làm chị Hiệu càng khó hơn nhiều. Cả hai phải có sự ăn ý, kẻ tung, người hứng, linh hoạt ứng khẩu, hô xướng, vừa tạo không khí vui tươi, dí dỏm nhưng lúc nào cũng giữ được cái hồn của hô hát Bài Chòi. Gần 20 năm gắn bó với nghề, nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn, chị Lệ Nga bộc bạch, để người nước ngoài hiểu được nét văn hóa độc đáo của Bài Chòi thì người diễn phải có lối diễn xuất gần gũi với mọi người.
Từ năm 1998, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã mở nhiều lớp đào tạo nhạc công, diễn viên hô hát dân ca, Bài Chòi. Năm 2004, thành phố Hội An bắt đầu đưa dân ca, Bài Chòi vào trường học. Và từ năm 2011 đến nay, địa phương này tiếp tục mở nhiều lớp dạy hát dân ca, Bài Chòi miễn phí cho trẻ em.
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, việc đưa Bài Chòi vào chương trình "Đêm Phố cổ" hay tổ chức gian trò chơi Bài Chòi hàng đêm tại công viên vườn tượng An Hội, bên bờ sông Hoài, thành phố Hội An đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Võ Phùng cho biết: "Trò chơi Bài Chòi có nhiều câu hát nhân ngãi rất hay. Nó vừa có tính chất giáo dục, tôn trọng đạo lý làm người từ những câu ca dao, tục ngữ. Thậm chí có những câu nói nghe thì tục mà rất là thanh, làm cho hội chơi thêm vui thú. Cách làm này của Hội An vừa mang hơi thở của truyền thống, mang tính giáo dục cao, vừa mang tính đương đại. Chúng tôi dùng nghệ thuật Bài Chòi, trò chơi Bài Chòi, sân chơi Bài Chòi để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với công chúng, làm cho xã hội tốt đẹp hơn"./.