Trong bối cảnh hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng thương mại đã cạn, lãi suất cho vay lại tăng, thì việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% được coi là “phao cứu sinh” đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, dù đã hoàn tất thủ tục nhưng gần 2 tháng nay, Doanh nghiệp Cường Đại vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ ưu đãi.

Vẫn khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Doanh nghiệp Cường Đại vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại cho biết: "Ra chính sách hỗ trợ 2% nhưng chưa cụ thể vấn đề là nhóm doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất kinh doanh, được tiếp cận và được hỗ trợ cái gói 2% này thì tôi cho là các hệ thống ngân hàng và các chính sách còn đang khắt khe, khó khăn cho các doanh nghiệp được tiếp cận".

Thực tế, khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ 2% còn đến từ phía đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều biết đến chính sách hỗ trợ, nhưng một số không có nhu cầu vay theo gói lãi suất, số khác lại băn khoăn về việc mình đáp ứng đủ tiêu chí hay không. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại chỉ quan tâm tới việc tiếp cận được nguồn vay.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng cho biết: "Gói 2% thì chắc là nó sẽ kèm theo những điều kiện khắt khe ".

Ông Phạm Văn Quang - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Nguyên cho biết: "Nếu đọc các tiêu chí trong đó thì các doanh nghiệp khó có thể hoàn thành được, bởi vậy đa số doanh nghiệp không mặn mặn với chính sách này lắm mà chỉ làm sao có việc làm và đồng thời vay được vốn ngân hàng".

Ở chiều ngược lại, bản thân các ngân hàng thương mại, dù muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng, tuy nhiên việc xác định chính xác đối tượng vay theo đúng tiêu chuẩn, quy định gặp nhiều khó khăn.

Vẫn khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

Bà Nguyễn Khuê Chính - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cho biết:"Những khách hàng mà có đa ngành nghề thì việc tách bạch giữa ngành nghề được hỗ trợ và ngành nghề không được hỗ trợ, thì bản thân có những khách hàng là không tách biệt được, việc đó cũng là một cái khó trong cái công tác hỗ trợ lãi suất".

Ông Bùi Trung Dũng - Phó Giám đốc Agribank Thái Nguyên cho biết: "Việc xác định đánh giá doanh nghiệp có khả năng phục hồi, có khả năng trả nợ đầy đủ khi đến hạn cũng là một các cái khó khăn vướng mắc của bản thân các doanh nghiệp cũng như ngân hàng đánh giá trong quá trình thẩm định khách hàng".

Tính đến đầu tháng 10, toàn tỉnh mới có 3/27 ngân hàng thực hiện việc hỗ trợ với gần 20 khách hàng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất là gần 515 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất gần 1 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Khoa - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng đường dây nóng để nghe các phản ánh của các doanh nghiệp, và sẽ kịp thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp thực hiện các chính sách của Chính phủ".

Dù, hiện Ngân hàng nhà nước đang từng bước tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện, tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, còn cần sự chủ động từ 2 phía. Một là từ các ngân hàng thương mại trong hỗ trợ khách hàng, hai là từ đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận thông tin. Có như vậy, dù chính sách có độ trễ thì vẫn có ý nghĩa nhất định.