Vấn đề Brexit: Ba thất bại liên tiếp của Thủ tướng Anh tại Thượng viện
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại London, ngày 8/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong nỗ lực hoàn thành các bước thông qua thỏa thuận Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vấp phải 3 thất bại liên tiếp tại Thượng viện chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ trong ngày 20/1.
Thất bại nặng nề nhất liên quan đến kế hoạch cho phép các thẩm phán Anh ở những tòa cấp thấp được bác bỏ những phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sau Brexit.
Trước đó đã xuất hiện những lo ngại về việc Thủ tướng Johnson có ý định loại bỏ cam kết của người tiền nhiệm Theresa May về việc chuyển tất cả luật EU vào luật Anh, đồng nghĩa với việc các phán quyết của ECJ chỉ có thể bị Tòa án Tối cao Vương quốc Anh, hoặc Tòa Thượng thẩm xứ Scotland (thuộc Anh) bác bỏ.
Tuy nhiên, thay vào đó, ông Johnson bổ sung một điều khoản mới vào Thỏa thuận Brexit sau chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử sớm, cho phép Chính phủ chỉ đạo các tòa án diễn giải luật của EU và cho phép các tòa cấp thấp hơn bác bỏ phán quyết của ECJ.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, các Thượng nghị sĩ thuộc mọi đảng phái đã bỏ phiếu bác bỏ điều khoản bổ sung này và cảnh báo đây có thể được xem là sự can thiệp vào tính độc lập của ngành tư pháp.
Ngay sau đó, là thất bại thứ 3 với việc Thượng viện thông qua một điều khoản bổ sung, cho phép các vụ việc được chuyển lên Tòa án Tối cao để quyết định việc áp dụng hay tách khỏi luật của EU đối với vụ việc đó.
Trước đó cùng ngày, ông Johnson đã phải gánh chịu thất bại đầu tiên tại Quốc hội Anh kể từ sau cuộc tổng tuyển cử sớm, khi các Thượng nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ cấp giấy tờ cư trú cho các công dân EU được phép ở lại Anh sau Brexit.
Khoảng 3,6 triệu người EU tại Anh đang lo ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không có giấy tờ cụ thể về quyền cư trú tại Anh sau Brexit, hoặc có thể bị “trục xuất nhầm” vì không có giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp. Nhưng Bộ Nội vụ và Bộ Brexit Anh cho rằng giải pháp “chỉ quản lý bằng dữ liệu số” sẽ an toàn hơn, vì giấy tờ vật lý có thể “bị thất lạc, ăn cắp, hư hỏng và làm giả.”
Nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thất bại tiếp theo trong ngày 21/1, khi các Thượng nghị sĩ chuẩn bị thảo luận quyết định của chính phủ trong việc tước bỏ điều khoản về hỗ trợ đối với những trẻ em tị nạn khỏi dự thảo thỏa thuận Brexit. Cựu Thủ tướng Theresa May đã bổ sung những điều khoản bảo đảm trên vào dự thảo thỏa thuận Brexit của mình, nhưng hầu hết các điều khoản này đã biến mất trong dự thảo Brexit mới sửa đổi của ông Johnson.
Tuy nhiên, theo luật pháp Anh, các đề xuất của Thượng viện chỉ mang tính khuyến nghị chứ không có giá trị bắt buộc đối với chính phủ. Với việc đảng Bảo thủ chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện, gần như chắc chắn những đề xuất của Thượng viện sẽ bị bác bỏ khi dự thảo thỏa thuận Brexit được đưa lại cho các hạ nghị sỹ trong tuần này, và lộ trình đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/1 tới của ông Johnson sẽ không bị ảnh hưởng./.