Cuộc diễn tập, hội thao, bắn đạn thật pháo phòng không Zcy-23-4M của Quân chủng Phòng không-Không quân năm 2016 tổ chức đầu tháng 11 vừa qua đã thành công, an toàn tuyệt đối, được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng theo dõi đánh giá cao. 100% các đơn vị tham gia diễn tập đều đạt tiêu chuẩn đơn vị huấn luyện giỏi. Trong cuộc diễn tập này, hầu hết hệ thống pháo phòng không Zcy-23-4M của các đơn vị tham gia bắn đạn thật đều đã được cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Tại trường bắn của Trung tâm Huấn luyện TB-1, sau khi chỉ huy đại đội bắn tiêu diệt mục tiêu ngay trong loạt đạn đầu, Đại úy Nguyễn Văn Hoan, Đại đội trưởng Đại đội 71, Trung đoàn 280, Sư đoàn 361 (Quân chủng PK-KQ) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp chỉ huy đại đội pháo cao xạ 57mm (đã qua cải tiến) bắn đạn thật cả trong điều kiện ban ngày và ban đêm. Kết quả bắn của đại đội đạt loại giỏi, tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu không chỉ đánh giá đúng khả năng huấn luyện SSCĐ của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà còn khẳng định chủ trương cải tiến, ứng dụng công nghệ cao cho hệ thống pháo phòng không được thực hiện trong những năm qua là rất thiết thực...”.

tin nhap 20161127150110

Máy chỉ huy K5903 trang bị cho các đại đội pháo 57mm sau cải tiến được sử dụng trong diễn tập, bắn đạn thật năm 2016.

Tìm hiểu qua Đại tá Vương Thái Vũ, Trưởng phòng Pháo phòng không và Tên lửa tầm thấp (Cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ) chúng tôi được biết, hiện nay, phần lớn VKTBKT có trong biên chế thuộc Quân chủng PK-KQ và các đơn vị phòng không trong toàn quân cơ bản đều thuộc thế hệ cũ. Ví dụ như ra-đa K860, máy chỉ huy K5903 biên chế trong các đại đội pháo 57mm là những loại khí tài được sản xuất từ thập niên 1950. Để tiếp tục khai thác hiệu quả những loại vũ khí, khí tài này, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ, quân chủng đã đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Toàn quân chủng đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có chất lượng cao được các cơ quan chức năng cấp trên cấp phép đưa vào ứng dụng trong thực tế. Hiện nay ngành kỹ thuật của quân chủng đã làm chủ toàn bộ quy trình cải tiến đối với các đại đội pháo phòng không cỡ nòng 37mm và 57mm. Đối với pháo 57mm, cơ bản đã được quân chủng nghiên cứu chuyển sang bắn bằng điện hoàn toàn. Điều đó đã bảo đảm cho pháo có thêm nhiều tính năng ưu việt hơn khi tham gia tác chiến và thuận lợi cho người chỉ huy và người trực tiếp sử dụng pháo. Một đặc điểm mới là, pháo 57mm sau cải tiến, đại đội trưởng hoàn toàn có thể ấn nút khai hỏa cho tất cả các khẩu pháo khi cần thiết mà không phải phụ thuộc vào các pháo thủ trong các khẩu đội. Sự phát hỏa đồng thời sẽ đem lại hiệu quả cao hơn khi cần tập trung hỏa lực để tiêu diệt mục tiêu. Toàn bộ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật tham gia trong cuộc diễn tập lần này đều là sản phẩm do Quân chủng PK-KQ phối hợp với Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự của Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện.

Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự quý III năm 2016, Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự cho biết: "Từ đầu năm đến nay, toàn quân đã hoàn thành gần 110 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ Quốc phòng và hàng nghìn đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ cấp cơ sở trở lên. Chỉ tính riêng trong quý III, đã có 16 đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được nghiệm thu...". Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy, đến cuối tháng 11-2016, các đề tài, nhiệm vụ khoa học của các đơn vị được triển khai trong năm cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, đúng nội dung đã được phê duyệt. Các đề tài, kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào cải tiến nâng cao chất lượng vũ khí, khí tài cũ và khai thác, làm chủ khoa học công nghệ đối với các loại vũ khí, khí tài mới, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, duy trì khả năng SSCĐ của các đơn vị. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học được cán bộ, chiến sĩ toàn quân nghiên cứu thành công, đã mở ra hướng đi mới không những góp phần quan trọng phát triển nền công nghiệp quốc phòng-an ninh theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, mà còn tạo điều kiện để từng cơ quan, đơn vị làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị trong toàn quân.