Nền tảng blockchain từ trước đến nay mới được mọi người biết rộng rãi là nền tảng sinh ra tiền kỹ thuật số, tiền điện tử hay tiền ảo. Trong khi tiềm năng thực sự của nền tảng này rất lớn.

ung dung blockchain trong xuat nhap khau nong san giup tang gia tri
Blockchain có khả năng ứng dụng ở nhiều lĩnh vực do đặc tính phi tập trung, dẫn đến tính minh bạch và bảo mật cao.

Ông Victor Trần, Giám đốc Công nghệ Kyber Network - một trong 4 người Việt Nam nằm trong danh sách "Top 30 under 30" do Forbes vừa công bố - đã tham gia vào việc phát triển blockchain và tiền kỹ thuật số từ đầu năm 2016 cho biết, "Phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong giải quyết các vấn đề kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp đang là một trong những xu hướng của thế giới ở các lĩnh vực thanh toán, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, phát hành trái phiếu, chứng khoán..."

Hiện nay, nền nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển thuộc châu Á và châu Phi, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các khâu trung gian, thanh toán, quản lý rủi ro và tài trợ thương mại.

Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu hàng tỷ USD gạo, hàng điện tử, thuốc men sang các nước ở châu Phi và cũng nhập hàng tỷ USD điều thô, bông, gỗ từ các nước này. Thế nhưng hầu hết các hoạt động xuất nhập khẩu này đều phải thông qua các trung gian.

Điều đó khiến chi phí giao dịch trong xuất nhập khẩu tăng 15-20%, dẫn đến việc bên xuất khẩu buộc phải trả giá thấp cho người nông dân để cạnh tranh, còn bên nhập khẩu phải chịu đội giá trong chế biến nông sản.

Tại Việt Nam, các đơn vị phát triển phần mềm, ứng dụng blockchain và các đối tác kinh doanh đang tích cực triển khai tích hợp công nghệ này vào mô hình kinh doanh của mình.

Ông Vương Quang Long, Giám đốc điều hành TomoChain cho biết, "Nền tảng blockchain mang lại tính tự động hóa cao, do vậy có thể giảm chi phí server, vận hành. Tất cả nghiệp vụ trên hệ thống này có thể được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình vận hành, giảm chi phí cho những vận hành thủ công. Bỏ được các phần trung gian, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi mở rộng"

Trước đó, TomoChain cũng đã triển khai hệ sinh thái quảng cáo phi tập trung trên nền tảng blockchain cho doanh nghiệp Bigbom.

ung dung blockchain trong xuat nhap khau nong san giup tang gia tri
Ông Quân Lê, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Binkabi.

Theo ông Quân Lê, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Binkabi, blockchain, công nghệ chuỗi khối, hay còn gọi là "cỗ máy của sự tin tưởng" là nền tảng lý tưởng trong giao dịch giữa các bên không quen biết lẫn nhau.

"Các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hoá và khả năng thanh toán được giải quyết qua công nghệ này do đó rất minh bạch, rõ ràng và không thể làm giả các thông tin lưu trữ trên blockchain", ông Quân Lê nhấn mạnh.

Tuy vậy, công nghệ này đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi các nền tảng blockchain hiện tại chưa hoàn thiện và sẵn sàng.

Theo các chuyên gia công nghệ, blockchain mới đang phát triển ở giai đoạn đầu tương tự như internet những năm 1990-1991. Thêm vào đó, thách thức từ hành lang pháp lý chưa rõ ràng ở nhiều quốc gia nói chung cũng như Việt Nam nói riêng do công nghệ còn mới.

Ông Vương Quang Long, TomoChain cho rằng, "blockchain đang phát triển mạnh nhất ở mảng tiền điện tử. Vì liên quan đến tài chính nên nhiều quốc gia không công nhận tiền điện tử, trong đó có Việt Nam, do đó làm ảnh hưởng cả toàn bộ nền tảng blockchain."

"Việc không có khung pháp lý cụ thể cũng đồng nghĩa với việc không thể thu thuế, quản lý tài sản số cũng như bảo vệ nhà đầu tư", ông Long nhận định.

ung dung blockchain trong xuat nhap khau nong san giup tang gia tri
CEO Vương Quang Long của TomoChain

Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề: "Doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp" trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS chiều 30/3, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định "Việc triển khai những ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị để xử lý rủi ro."

"Trong thời gian tới, Việt Nam xác định nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, là "bệ đỡ" cho các ngành kinh tế khác và có nhiều tiềm năng mở rộng do dư địa về thị trường vẫn còn rất rộng lớn, nhất là khi tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ", ông Cường cho biết./.