Tự chủ đại học: Nhà nước đã vượt quá giới hạn?
TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, tạo ra sự tự chủ đại học cũng là một cách thúc đẩy xã hội hóa công việc giáo dục đào tạo. Và đó cũng là yêu cầu mở, đặc điểm mở của hệ thống giáo dục.
Thuở ban đầu, giáo dục là công việc của cộng đồng, cha mẹ và thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho con cái và thế hệ sau. Khi có nhà nước, nhận biết đây là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội, nhà nước bắt đầu tham gia vào công việc giáo dục đào tạo.
Đó là sự cần thiết, nhưng nhiều khi nhà nước lại vượt quá giới hạn cần thiết, bao cấp, ôm đồm và trực tiếp làm thay, trong khi nguồn lực tài chính và các chức năng, điều kiện khác không hội đủ. Giáo dục đào tạo là trách nhiệm của toàn xã hội, một công việc mang tính chất xã hội rất cao, dù vai trò của nhà nước vẫn luôn cần ở vị trí hàng đầu.
TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương |
Mục tiêu cao nhất phải là chất lượng
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.
tự chủ ở đây là một tập thể, đứng đầu là Hội đồng trường, cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của nhà trường. Hội đồng trường quyết định ông hiệu trưởng chứ không phải ngược lại như cách ta làm lâu nay, biến hội đồng trường thành hình thức, bảo vệ các ý kiến của hiệu trưởng.
Các nội dung chủ yếu của tự chủ đại học thường bao gồm về công việc đào tạo, chương trình; về nhân sự; về tài chính. Trong tự chủ về chương trình có một phần nội hàm gắn với quyền tự do học thuật. Tự do học thuật cũng là yêu cầu tất yếu của một nền giáo dục đại học trưởng thành, cũng là đặc điểm quan trọng của nền giáo dục mở.
Tự chủ và tự do đương nhiên vẫn nằm trong những giới hạn và trách nhiệm nhất định. Nhà trường (kể cả Hội đồng trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý) phải biết chịu trách nhiệm với người học về chất lượng đào tạo, chịu trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin.
Nhà trường là một tổ chức thành viên của xã hội, sự tự chủ đương nhiên sẽ nằm trong khuôn khổ của pháp luật, và hiểu đó là pháp luật tiến bộ theo tinh thần tự chủ đại học và tự do học thuật.
“Mục tiêu đào tạo quan trọng nhất là chất lượng. Chất lượng chủ yếu là do nhà trường tạo ra. Quản lý vĩ mô vẫn có những tác động rất quan trọng đến chất lượng đào tạo, nhưng ít hơn và không trực tiếp như nhà trường. Tạo sự chủ động và năng động cho cơ sở đào tạo để tập thể nhà trường có điều kiện sáng tạo trong công việc sẽ có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đào tạo” – TS Hoàng nhấn mạnh.
Đối với Tự chủ về nhân sự, TS Hoàng cho rằng, nên tự chọn và quyết định về giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, tự phong giáo sư, phó giáo sư theo quy định khung của nhà nước.
Tự chủ phải gắn với tự do học thuật
TS Hoàn nhấn mạnh, Tự chủ chương trình tất yếu phải gắn với tự do học thuật, và trong tự chủ chương trình đã bao hàm một phần của tự do học thuật. Tự do học thuật có phạm vi và nội hàm rộng hơn tự chủ về chương trình.
Tự chủ chương trình là công việc của nhà trường, còn tự do học thuật không chỉ là công việc của nhà trường, mà còn là công việc của riêng từng người thầy giáo và của từng học sinh, đó còn là vấn đề dân chủ, tự do tư tưởng, tự do cá nhân, các yếu tố và điều kiện hàng đầu đối với sự phát triển tư duy của con người.
Tự chủ chương trình cho phép nhà trường tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về việc dạy thứ gì, môn học nào, dạy bao nhiêu, nhiều hay ít, nông hay sâu, chứ không phải nhất nhất theo một quy định chung cứng nhắc từ cấp trên.
Nói chung là vậy, trường hợp cá biệt, rất hản hữu, là theo quy định cụ thể của luật pháp. Hiện tại, chương trình đại học của Việt Nam so với nhiều nước có dài hơn, cơ cấu không hợp lý, học lý thuyết hàm lâm và học chính trị, quân sự nhiều quá, nhưng lại do quy định từ cấp trên, chứ nhà trường không có quyền quyết định.
TS cho rằng, cần phải có đổi mới tư duy một cách căn bản về vấn đề này, để các trường đại học có thể tự chủ thực chất về công việc đào tạo, còn gọi là tự chủ về chương trình, bao gồm mục tiêu, nội dung, ngành nghề đào tạo, môn học bắt buộc và môn học tự chọn, số tiết học, số tín chỉ, phương pháp đào tạo, số lượng tuyển sinh, công tác tuyển sinh…
Khó khăn nhất về tự chủ môn Lý luận chính trị
Theo TS Hoàng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khó khăn nhất là tự chủ về chương trình học đối với các môn lý luận chính trị, vì đây được coi là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, các cơ quan hữu quan ở cấp TW cần có kế hoạch giúp cho các trường thực hiện việc này trong giai đoạn đầu.
Phân biệt khoa học với chính trị. Tại các trường sẽ thực hiện chương trình học các môn khoa học về lý luận chính trị, tức là học khoa học chứ không phải học chính trị.
Còn việc học chính trị như nghe một nghị quyết của Trung ương hoặc của Quốc hội là một việc khác, thỉnh thoảng vẫn cần, nhưng không nên đưa vào chính khóa.
Các môn lý luận Mác-lênin là bộ phận hợp thành của lịch sử khoa học nói chung của nhân loại, chứ không tách biệt và cô lập các nội dung ấy. Học Mác-Lênin đồng thời cùng với các lý thuyết của các nhà khoa học khác, nên tập trung làm rõ các giá trị nhân văn và giá trị khoa học vốn có của nó (phân biệt với các nội dung tư biện).
Để cho mọi lý thuyết khoa học được bình đẳng với nhau, tự sống bằng các giá trị khoa học chân chính của mình và phải không ngừng bổ sung, phát triển.
“Việc sắp xếp môn học cứng, bắt buột hay để sinh viên tự chọn và việc dạy nông sâu đến mức nào là dựa trên những nguyên tắc chung đối với mối quan hệ hữu cơ của tất cả các môn khoa học với các ngành nghề cụ thể. Không phải lo lắng rằng cách ấy sẽ làm giảm vị trí quan trọng của các môn này, bởi chính các môn ấy đã có những giá trị nhất định trong bản thân nó, chẳng phải vậy mà các trường đại học ở phương tây và phương đông đến nay vẫn nghiên cứu học thuyết Mác, khi ông đã qua đời cách nay 135 năm, không còn sống để bảo vệ quan điểm của mình” – TS Hoàng nhấn mạnh.
Nhà nước nên dùng chính sách hỗ trợ học phí thay cho bao cấp trả lương
Về tự chủ về tài chính, TS Hoàng cho hay, nhà trường tự cân đối tài chính để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, không dựa dẫm và trông chờ ngân sách nhà nước, kể cả trường công lập, kể cả kinh phí để trả lương cho giáo viên.
Nhà trường quyết định mức thu học phí. Đối tượng được miễn giảm học phí nếu nhà nước yêu cầu thì nhà nước phải bù phần kinh phí hụt thu, nếu nhà trường tự mình quyết định theo trách nhiệm xã hội của mình thì nhà trường tự cân đối tài chính.
Thực hiện tự chủ đại học cần song song, đồng thời với thực hiện sự bình đẳng giữa các loại trường, giữa công lập và ngoài công lập. Bình đẳng về cơ chế chính sách giữa trường công và trường tư, kể cả về tài chính, đất đai và chính sách xã hội.
Nhà nước hỗ trợ tài chính theo cơ chế chung và theo khả năng của ngân sách. Nhà nước cấp hoặc cho vay không lãi đối với sinh viên, nhất là sinh viên nghèo và sinh viên học giỏi, để nộp học phí cho nhà trường thay cho cấp ngân sách để trả lương cho giáo viên và các khoản chi khác cho hoạt động thường xuyên của các trường công lập.
Theo đó, Nhà nước nên dùng chính sách hỗ trợ học phí thay cho bao cấp trả lương tại các trường công.