Lần đầu tiên tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1/5/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN) |
Chiều 24/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế."
Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức.
Dự kiến, hội thảo sẽ diễn ra ngày 30/11 tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và các đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Duy Hợp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Hành chính, Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, đồng chủ trì buổi họp báo.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh hội thảo nhằm làm rõ những công lao, đóng góp to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; giúp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về giá trị lịch sử, hiện thực cũng như những bài học, kinh nghiệm quý mà Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã đóng góp cho cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế.
Đến nay, Ban Chỉ đạo Hội thảo đã nhận được 87 bài tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, đại diện một số địa phương, nhân chứng lịch sử.
Các tham luận tập trung khẳng định, làm rõ về cuộc đời và quá trình công tác của đồng chí Lê Đức Anh từ nhỏ đến khi tham gia hoạt động cách mạng; vai trò, những cống hiến của đồng chí Lê Đức Anh trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng.
Tham luận cũng làm rõ tư duy sáng tạo, quyết đoán của ông về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đổi mới đất nước, từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, vận dụng vào hoạt động xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Các đại biểu dự hội thảo cũng sẽ thảo luận về những giá trị tinh thần, bài học quý đúc rút từ cuộc đời hoạt động cách mạng và cuộc sống đời thường của đồng chí Lê Đức Anh, qua đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của Việt Nam nói chung và của quê hương Thừa Thiên-Huế nói riêng, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Hội thảo thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện, Đại tá Trần Ngọc Anh mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát nội dung, tập trung thông tin về chủ đề, mục đích, ý nghĩa của Hội thảo; tăng cường tuyên truyền về những đóng góp của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam./.