Tổng thống Putin: Ukraine tự tách Donbass ra khỏi nước này
Binh sỹ Ukraine trong buổi diễn tập quân sự tại vùng Kiev ngày 2/10. (Nguồn: REUTER/TTXVN) |
Ông Putin nhấn mạnh: "Liên quan đến những sự kiện diễn ra tại miền Đông Nam Ukraine, thứ nhất, đó là kết quả cuộc đảo chính, thay đổi chính quyền ở Kiev trái với Hiến pháp. Thứ hai, không ai tách Donbass khỏi Ukraine mà chính Kiev đang làm điều đó khi tiến hành mọi biện pháp phong tỏa đối với khu vực này."
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, đến nay Nga vẫn đang cung cấp lượng hàng hóa đáng kể, trong đó có năng lượng, cho ngành công nghiệp Ukraine. Nhưng chính quyền Kiev lại tiến hành phong tỏa đối với Donbass.
Theo ông Putin, không ai đưa đồng ruble của Nga vào sử dụng như đồng tiền thay thế ở Donbass, mà thực chất là chính quyền Kiev thu hồi khỏi lưu thông đồng nội tệ hryvnia, buộc người dân nơi đây phải sử dụng đồng tiền thay thế.
Tổng thống Putin cho rằng tình hình tại đây đang gây quan ngại nghiêm trọng, đồng thời cho biết cá nhân ông thường xuyên liên lạc với bà Merkel để thảo luận vấn đề quốc gia láng giềng này.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm hoạt động trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandy" sẽ được tiếp tục. Moskva và Berlin ủng hộ thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Minsk-2.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng Nga là đối tác xây dựng và bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ sau khi Thỏa thuận Minsk-2 được thực hiện thành công.
Tổng thống Putin đã cáo buộc âm mưu bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Ông nhấn mạnh Nga không can thiệp vào các tiến trình chính trị nội bộ các nước khác, và cũng muốn không ai can thiệp vào đời sống chính trị của nội bộ nước Nga.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Moksva nhận thấy những âm mưu gây ảnh hưởng lên các tiến trình chính trị nội bộ nước này. Và những âm mưu đó được thực hiện trực tiếp, hoặc được ngụy trang dưới vỏ bọc, của cái được gọi là những tổ chức phi chính phủ.
Người đứng đầu nước Nga cũng tuyên bố Moskva sẵn sàng dành cho Berlin những hỗ trợ cần thiết khi Đức đang giữ cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ông Putin cũng cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Đức có đóng góp lớn trong việc ổn định nền kinh tế thế giới, vấn đề sẽ được thảo luận tại G20 và trong khuôn khổ nhóm này.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức đến Nga kể từ năm 2015, dấu hiệu cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức được nối lại sau những căng thẳng kéo dài trong vài năm gần đây liên quan đến vấn đề Ukraine.
Ngoài các vấn đề quốc tế cấp thiết, chuyến thăm của bà Merkel đến Nga lần này còn để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ở Hamburg, Đức vào đầu tháng 7 tới./.