Tổng thống Nga – Mỹ điện đàm: Tín hiệu tích cực cho Syria?
Ngày 2/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nối lại các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin và tìm cách nhen nhóm lại những gì ông hy vọng sẽ là một mối quan hệ đặc biệt bằng cách đồng ý cùng hợp tác với Nga đứng ra làm trung gian giải quyết tình trạng xung đột kéo dài ở Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/Getty) |
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với lãnh đạo Nga kể từ sau khi Mỹ phát động cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria, Tổng thống Trump đã đồng ý cử đại diện tham gia cuộc đàm phán hòa bình Syria do Nga thúc đẩy diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 3/5. Lãnh đạo Mỹ và Nga cũng thảo luận về cuộc gặp dự kiến diễn ra ở Đức vào tháng 7 tới.
Vẫn còn những bất đồng…
Nếu nhìn thoáng qua, đây có thể là một thông tin tích cực nhưng trên thực tế, cả Mỹ và Nga đã đưa ra những quan điểm khác biệt về mối quan tâm của họ trong việc thiết lập các khu an toàn ở Syria để bảo vệ dân thường trong bối cảnh cuộc nội chiến ở nước này đã kéo dài hơn 6 năm.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các khu vực như vậy “để đạt được hòa bình lâu dài” nhưng phát ngôn từ phía điện Kremlin lại cho biết, lãnh đạo hai nước không thảo luận chi tiết về nội dung này.
Theo các nhà ngoại giao và giới phân tích, Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn hoài nghi về kế hoạch này khi coi đây là bước đầu tiên hướng đến việc phân chia quyền lực ở Syria.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin được cho là nhằm mục đích “sưởi ấm” lại quan hệ hợp tác vốn bị ảnh hưởng nhất định thời gian gần đây sau những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái cũng như những tranh cãi liên quan đến cuộc tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun, Syria hôm 4/4.
Khi ông Trump chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, đã có những lạc quan ban đầu về khả năng Mỹ - Nga có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề “nóng” nhưng vì những lý do khác nhau, mọi chuyện đã không được như kỳ vọng.
Dù thừa nhận mối quan hệ Mỹ - Nga “có thể ở mức thấp nhất mọi thời đại” nhưng dường như ông Trump không từ bỏ ý định tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow. Trong khi các thành viên cấp cao trong chính quyền Mỹ tìm mọi cách hướng mũi dùi công kích vô căn cứ nhằm vào Nga sau vụ tấn công khí độc ở Syria thì bản thân ông Trump lại sử dụng những ngôn từ ôn hòa, tránh việc chỉ trích cá nhân ông Putin và sau đó còn bày tỏ lạc quan rằng, “mọi việc giữa Mỹ và Nga sẽ tốt đẹp”.
Một nhà ngoại giao Nga từng tiết lộ, sau khi Tổng thống Mỹ gặp các Đại sứ của những nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, ông Trump đã nói với họ rằng “tương lai của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad không phải là rào cản để phá vỡ thỏa thuận”.
Đánh giá về kết quả cuộc điện đàm ngày 2/5 – cuộc điện đàm lần thứ ba giữa lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ sau khi ông Trump chính thức nhậm chức hồi tháng 1/2017, cả Washington và Moscow đề đưa ra những đánh giá rất tích cực. Nhà Trắng gọi cuộc điện đàm này là “một điều rất tốt” trong khi điện Kremlin mô tả những gì diễn ra là “mang tính xây dựng”.
Cả hai bên đều không đề cập đến những tranh cãi liên quan đến vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun, Syria cũng như cuộc tấn công sử dụng tên lửa hành trình của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat (Ash Sha'irat) ở Homs, Syria hôm 6/4.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hoan nghênh cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, Phó giám đốc truyền thông của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ Adrienne Watson nói: “Thay vì gửi đến Tổng thống Nga Putin một thông điệp cứng rắn thì ông Trump dường như đang chọn một chiến lược nhún nhường”.
… nhưng đã nhen nhóm hy vọng
Nỗ lực làm giảm căng thẳng với lãnh đạo Nga của Tổng thống Trump được thực hiện trùng thời điểm chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tại cuộc họp báo trước cuộc gọi của ông Trump, ông Putin nhấn mạnh rằng, sự hợp tác với Mỹ là rất quan trọng để giải quyết xung đột Syria.
Một vòng đàm phán hòa bình Syria ở Astana, Kazakhstan. (Ảnh: Sputnik) |
Ông Putin nói: “Chắc chắn, nếu không có sự tham gia của Mỹ, chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này một cách hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đang và sẽ tiếp tục giữ liên lạc với phía Mỹ và tôi hy vọng rằng, chúng tôi sẽ đạt được sự đồng thuận về bước đi chung để giải quyết những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế hiện nay”.
Theo Tổng thống Nga Putin, một lệnh ngừng bắn ở Syria là ưu tiên hàng đầu hiện nay và đó cũng là trọng tâm của cuộc đàm phán diễn ra ở Astana, Kazakhstan. Cho đến trước vòng đàm phán ngày 3/5 ở Astana, Mỹ không có bất kỳ đóng góp nào đối với nỗ lực đàm phán do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập ngoài hệ thống đàm phán được Mỹ và Liên Hợp Quốc ủng hộ ở Geneva, Thụy Sĩ.
Mọi chuyện đã khác sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin ngày 2/5. Ngoài việc Tổng thống Mỹ cam kết cử đại diện tham dự, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, lần đầu tiên ông sẽ tham dự hòa đàm về Syria ở Astana, Kazakhstan.
Trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria chưa có lối thoát, nếu Nga và Mỹ thực sự cùng nhìn về một hướng thì đây rõ ràng là cơ hội không thể tốt hơn để tháo gỡ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, ai cũng hiểu, mọi vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết chỉ sau một cuộc nói chuyện bởi cả Nga và Mỹ đều có những toan tính riêng không dễ nắm bắt. Bất kể như vậy, việc hai bên phát đi tín hiệu tích cực cũng đã là điều đáng quý mở ra cơ hội mới tháo gỡ một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay./.