Điểm sự kiện từ ngày 22/2/2021 đến ngày 28/2/2021
* Trong tuần, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden ra quyết định không kích các mục tiêu thân Iran tại Syria cùng với những diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng, bước tiến về vaccine là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần, được thế giới quan tâm.
- Các nguồn tin địa phương ngày 26/2 cho biết các cuộc không kích của Mỹ tại Đông Syria rạng sáng cùng ngày đã làm ít nhất 17 người thiệt mạng.
Máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ. (Ảnh: ABC/TTXVN) |
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, vụ không kích "nhằm vào các cơ sở mà Lầu Năm Góc cho là do Iran hậu thuẫn ở Đông Syria... để đáp trả các vụ tấn công gần đây chống lại quân nhân Mỹ và liên quân tại Iraq, cũng như các mối đe dọa nhằm vào các lực lượng này."
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cùng ngày kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tránh làm tình hình phức tạp thêm.
Nga cũng lên án vụ tấn công của Mỹ vào Syria và coi hành động này là sự vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Cuộc tấn công được thực hiện trên vùng lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, một nước thành viên của Liên hợp quốc. Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được. Cần phải xác định vụ tấn công nhằm vào đối tượng nào."
Ngoại trưởng Iran cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Syria sau vụ không kích trên của Mỹ.
- Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 28/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 114.347.007 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.536.274 ca tử vong. Tính đến ngày 27/2, trong chiến dịch tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu, 103 quốc gia và vùng lãnh thổc đã tiêm hơn 231 triệu liều.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh, ngày 2/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Ngày 26/2, một hội đồng độc lập gồm 22 chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson&Johnson chỉ dùng một liều và nếu được cấp phép trong những ngày tới, đây sẽ là vaccine thứ ba được sử dụng tại Mỹ, sau hai vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna được phê duyệt từ tháng 12 năm ngoái và đang được dùng tiêm phòng cho người dân.
Phó Thị trưởng Moskva phụ trách phát triển xã hội, bà Anastasia Rakova ngày 27/2 cho biết tại thủ đô nước Nga đã bắt đầu tiêm chủng cho những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine 1 liều ngừa COVID-19 có tên“Sputnik Light”. Bà Rakova cho biết bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể tình nguyện tham gia, miễn là họ chưa nhiễm COVID-19, chưa tiêm chủng trong vòng một tháng, không có kháng thể với SARS-CoV-2 và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc cấp. Những người mắc các bệnh mãn tính nặng không được khuyến khích tham gia thử nghiệm và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được tham gia.
Tại châu Âu, Anh thông báo sẽ thay đổi chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 trong những tháng tới, theo đó chiến dịch tiêm chủng sẽ dựa vào nhóm tuổi thay vì xét những nhóm nghề nghiệp có nguy cơ mắc bệnh. Cho đến nay, Anh đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 19 triệu người, trong đó 35% trong tổng số nhóm người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều và theo kế hoạch sẽ hoàn tất chương trình tiêm chủng cho toàn dân vào cuối tháng 7 tới.
Tại châu Á, ngày 27/2, một nhóm 300 nhân viên y tế đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là những người đầu tiên tại Hàn Quốc được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Các bác sĩ, y tá và chuyên gia y tế đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận được tiêm những mũi vaccine đầu tiên tại cơ sở tiêm chủng nhà nước. Tổng cộng, có 55.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech. Hàn Quốc chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng miễn phí ngày 26/2, sử dụng loại vaccine này, trước hết tại 5 cơ sở tiêm chủng do nhà nước quản lý ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận vì sản phẩm này yêu cầu điều kiện bảo quản lạnh sâu.
* Trong tuần, Thainguyentv.vn cũng đăng tải nhiều thông tin trong nước nổi bật. Trong đó, thông tin được quan tâm nhiều nhất là những nội dung về vaccine phòng COVID-19.
- Vào 10 giờ 40 phút sáng 24/2, đã có 117.000 liều vaccine Astra Zeneca về đến Việt Nam. Bộ Y tế sẽ có kịch bản chi tiết để tiêm số vaccine này theo đúng dự kiến. Theo kế hoạch, việc tiêm này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắcxin phòng COVID-19. Ngày 26/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam ngày 24/2/2021. Ảnh: TTXVN phát |
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch để quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.
Nghị quyết quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí. Đó là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ phòng, chống COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…
Ngoài ra, giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định, căn cứ yêu cầu phòng chống dịch cũng là đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.
Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Căn cứ khả năng cung ứng vaccine, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.
- Công nghệ mạng 6G là một cuộc cách mạng lớn so với các thế hệ mạng trước đó, có thể biến các mạng di động ở các quốc gia trở thành một mạng di động duy nhất trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa - Techspot |
Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng di động mới thường được triển khai sau mỗi 10 năm, mạng di động thế hệ thứ 6 (6G) được dự đoán sẽ khai thác thương mại năm 2030. Vì thế, Việt Nam cần định hướng nghiên cứu và tận dụng những thế mạnh hiện có để phát triển công nghệ mạng 6G ngay từ thời điểm này.
Mới nhất, công nghệ mạng 5G (Internet vạn vật) đang được thử nghiệm giới hạn ở một số nơi trên thế giới. Mạng 5G hứa hẹn rất nhiều cải tiến như tốc độ nhanh hơn, mật độ kết nối cao hơn, độ trễ thấp hơn, tiết kiệm năng lượng. Tốc độ lý thuyết của mạng 5G đạt tới 20 Gbps.
Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps, mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn từ vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G. Mục tiêu của mạng 6G không chỉ ở tốc độ, mà còn nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại của mạng 5G và hướng tới giải quyết các yêu cầu của tương lai như khả năng kết nối không gian – khí quyển - mặt đất - dưới biển. Bốn định hướng chính về kết nối đang được các nước trên thế giới nghiên cứu là: Kết nối thông minh, kết nối sâu, kết nối không đồng nhất và kết nối mọi nơi. Hiện có nhiều công nghệ tiềm năng, kể cả các công nghệ của tương lai được xem xét đưa vào mạng 6G như: Truyền thông không dây quang, truyền thông lượng tử, thiết bị bay không người lái, vệ tinh tầng thấp… các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn cũng được đưa vào hỗ trợ mạng 6G nhằm đảm bảo các mục tiêu về chất lượng mạng.
Theo đó, những công nghệ của tương lai như trí tuệ nhân tạo sẽ được tích hợp vào hệ thống mạng 6G giúp mọi thành phần mạng như các thiết bị vật lý, xử lý tín hiệu, quản lý tài nguyên, dịch vụ kết nối sẽ được hợp nhất và quản lý sử dụng. Từ đó, ứng dụng của mạng 6G giúp hướng đến một xã hội siêu thông minh.
* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý về các hoạt động công tác phòng, chống dịch COVID-19; hoạt động tuyển quân; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; cũng như nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng.
- Ngày 25/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức hội nghị lần thứ 6 nhằm thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào 19 nội dung quan trọng liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; công tác đối ngoại của tỉnh… đồng thời cho chủ trương đối với một số dự án đầu tư quan trọng và tiến hành công tác tổ chức, cán bộ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu thể hiện sự nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc và đồng tình, thống nhất cao với các nội dung trình tại hội nghị. Đối với dự thảo 03 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 06 kế hoạch của UBND tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện văn bản, triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy trình, quy định. Đối với Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, đồng ý về chủ trương đối với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; đồng thời lưu ý, việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết để sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào tỉnh. Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và các tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến, rà soát kỹ lưỡng theo các quy định của Trung ương, hoàn thiện văn bản trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đồng thời, hoàn thiện quy định để trình ký ban hành và tổ chức thực hiện theo quy định.
Về một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong tháng 03/2021 và thời gian tiếp theo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Hòa chung không khí ngày hội tòng quân của cả nước, ngày 27/2, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đồng loạt tổ chức lễ giao, nhận quân năm 2021.
Lễ giao nhận quân tại TP Thái Nguyên |
Cùng với việc đảm bảo các chỉ tiêu giao nhận quân đạt chất lượng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 và của tỉnh Thái Nguyên về việc tổ chức giao, nhận quân năm 2021 trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tổ chức giao, nhận quân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tổ chức theo tinh thần chung là ngắn gọn, thời gian không quá 20 phút. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được Ban Tổ chức tại từng địa phương chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ. Theo đó, một số nội dung trong chương trình được cắt giảm; số người đến đưa, tiễn tân binh được hạn chế, không để người không liên quan vào khu vực tổ chức lễ giao, nhận quân, các đơn vị phối hợp với ngành Y tế tổ chức kiểm tra nhanh thân nhiệt và phát bổ sung khẩu trang, rửa tay sát khuẩn tới 100% công dân nhập ngũ và công dân có mặt tại lễ giao, nhận quân. Nếu phát hiện có công dân bị sốt, thực hiện xử lý theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa cho tân binh |
Mặc dù buổi lễ giao, nhận quân năm nay diễn ra trên tinh thần ngắn ngọn, tuy nhiên vẫn đảm bảo trang trọng, không khí thi đua lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự hết sức sôi nổi, khí thế.
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên được giao chỉ tiêu tuyển chọn 1800 công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và 278 công dân thực hiện công an nghĩa vụ, tăng 91 chỉ tiêu so với năm 2020. Sau khi có hướng dẫn cụ thể của cấp trên, toàn tỉnh đã tổ chức sơ tuyển, khám tuyển, kết quả có 2.730 thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ; tăng 1% so với năm trước. Trong đó, có 260 thanh niên viết đơn tỉnh nguyện, tăng 5%, 100% đều là đoàn viên, trên 40% là đồng bào các dân tộc thiểu số; đặc biệt năm nay số con em cán bộ viên chức nhập ngũ đã tăng 1,2%, đối tượng là công chức, công nhân tăng 0,4%, số có trình độ văn hóa từ Cao đẳng trở lên tăng 1,3%. Các tân binh được biên chế về 11 đơn vị thuộc Quân khu 1, các đơn vị của Bộ Quốc phòng và của Công an tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa và động viên tân binh |
Theo chỉ đạo chung, việc giao, nhận quân năm nay được tiến hành theo quy trình nhanh gọn, đơn vị ở xa nhận quân trước, đơn vị ở gần nhận quân sau... Cùng với đó, các đơn vị nhận quân phối hợp chặt chẽ với địa phương giao quân, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền với người nhà công dân nhập ngũ không được vào trong doanh trại quân đội và hạn chế thăm con, em nhập ngũ trong thời gian đang có dịch bệnh.
Sau khi quân nhân vào đơn vị tổ chức khám phúc tra sức khỏe, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp vệ sinh phòng dịch, đảm bảo sức khỏe của bộ đội và đời sống vật chất, tinh thần ngay từ ngày đầu để yên tâm bước vào huấn luyện.
Với sự chỉ đạo sát sao và công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, Lễ giao nhận, quân năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên đã thành công, đúng theo tinh thần chỉ đạo chung là trang trọng, ngắn gọn, an toàn và thực sự là ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa và chúc tân binh hoàn thành nhiệm vụ quân ngũ. |
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, với 2.000 thanh niên ưu tú đại diện cho hàng nghìn thanh niên của mảnh đất cách mạng Thái Nguyên đã tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương lên đường tòng quân, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó... Trong đó, không ít thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ... Nhiều thanh niên tạm gác lại sự nghiệp, tình cảm cá nhân để lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tất cả đều vì tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với Tổ quốc.
Với hành trang mang theo là tinh thần yêu nước, ý chí trung thành với Đảng, với đất nước, với nhân dân, tin tưởng rằng các tân binh sẽ “chân cứng đá mềm”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc, đóng góp thêm vào thành tích của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.