Tin 24h ngày 6/12/2024
Thời tiết ngày 6/12: Bắc Bộ có mưa, trời chuyển lạnh
Phía Đông Bắc Bộ trời chuyển lạnh. Từ ngày 7/12, ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ C, vùng núi 12-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.
Khu vực Hà Nội, ngày 6/12, có mưa rải rác, trời chuyển lạnh; từ ngày 7/12 trời chuyển rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 15-18 độ C.
Trên biển, Bắc vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông đến Đông Bắc mạnh cấp 4-5; từ ngày 7/12 ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 1,5-3 m. Từ chiều 7/12, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao 2-4 m.
Bắc Bộ mưa rải rác, trời chuyển lạnh. |
Ngày 6/12, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4 m. Từ ngày 7/12, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, riêng vùng biển phía Đông Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nên từ ngày 6/12 đến đêm 7/12, ở Bắc Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Từ ngày 7/12, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, chiều và đêm có mưa rải rác. Gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-25 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác. Gió nhẹ. Sáng và đêm trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác. Gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng; phía Nam có mưa, mưa rào rải rác. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C.
Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Truy thăng quân hàm 12 liệt sĩ hy sinh trong diễn tập phòng thủ Quân khu 7
Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định truy thăng quân hàm 12 liệt sĩ hy sinh trong diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7.
Ngày 4/12, Sư đoàn 5 đã có quyết định truy thăng quân hàm từ Trung sĩ lên Thượng sĩ cho 1 đồng chí: Đặng Quốc Bình, Tiểu đội trưởng, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5 và truy thăng quân hàm vượt bậc từ Binh nhất lên Trung sĩ cho 11 đồng chí quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5.
Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình thay mặt Chính phủ đã ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg về việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 12 chiến sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7.
Hiện nay, các cơ quan chức năng Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng đang khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; đề nghị Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho 12 đồng chí hy sinh.
Từ ngày 1/12 đến ngày 4/12/2024, Quân khu 7 tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ trong điều kiện thời tiết cuối mùa mưa; có mưa giông, sấm sét bất thường và địa hình phức tạp.
Vào lúc 20h27 ngày 2/12, tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập kết ở thao trường, gặp thời tiết xấu, tổ công tác gồm một số quân nhân thuộc Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5 tạm dừng, nghỉ giải lao gần địa điểm cất giữ vật liệu nổ thì đột nhiên khối thuốc phát nổ, dẫn đến thương vong.
Khi phát hiện vụ việc, chỉ huy đơn vị đã kịp thời có mặt tại hiện trường để xử lý theo quy định. Theo thống kê, có 12 quân nhân tử vong. Nguyên nhân ban đầu xác định là do bị sét đánh gây kích nổ kíp nổ bằng điện làm khối thuốc phát nổ.
Sau khi nhận được tin, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường, tìm kiếm, quy tập, điều tra vụ việc; đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, dân vận, chính sách; kịp thời quan tâm, động viên, chia sẻ đau thương mất mát đối với các gia đình có quân nhân hy sinh.
Sự hy sinh của các liệt sĩ trong diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu 7 một lần nữa khẳng định tinh thần “Vì Nhân dân quên mình, vì Nhân dân hi sinh”, người chiến sĩ "Bộ đội Cụ Hồ" luôn sẵn sàng xung phong dấn thân vào nơi gian khổ, hiểm nguy để bảo vệ bình yên Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống ấm no của Nhân dân.
Danh sách 12 liệt sĩ: 1. Thượng sĩ, liệt sĩ Đặng Quốc Bình, Tiểu đội trưởng, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 2. Trung sĩ, liệt sĩ Nguyễn Bùi Trường An, chiến sĩ, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 3. Trung sĩ, liệt sĩ Trịnh Doãn Thế Anh, Chiến sĩ, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 4. Trung sĩ, liệt sĩ Hồng Chí Tài, Chiến sĩ, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 5. Trung sĩ, liệt sĩ Trương Văn Tiến, Chiến sĩ, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 6. Trung sĩ, liệt sĩ Thông Minh Kiệt, Chiến sĩ, Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 7. Trung sĩ, liệt sĩ Võ Thanh Hiếu, Chiến sĩ, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 8. Trung sĩ, liệt sĩ Phạm Ngọc Hiếu, Chiến sĩ, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 9. Trung sĩ, liệt sĩ Lâm Hoàng Nhật, Chiến sĩ, Trung đội 8, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 10. Trung sĩ, liệt sĩ Nguyễn Hồ Gia Huy, Chiến sĩ, Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 11. Trung sĩ, liệt sĩ Bùi Hy Lạp, Chiến sĩ, Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. 12. Trung sĩ, liệt sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Chiến sĩ, Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, Quân khu 7. |
Từ 2025, người dân huỷ vé xe khách sẽ được hoàn lại 90% tiền vé
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 36/2024 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác. Thông tư có hiệu lực từ 1-1-2025.
Theo đó, Thông tư quy định mới nhất về trả lại tiền vé xe cho hành khách huỷ vé xe từ ngày 1-1-2025. Như vậy, dịp Tết Nguyên đán 2025 này, hành khách có nhu cầu trả vé xe cần lưu ý quy định này.
Hoàn 90% tiền vé cho hành khách huỷ vé
Theo khoản 3 Điều 16 Thông tư 36/2024 thì hành khách đi xe có quyền nhận lại số tiền vé từ đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư 36/2024 như sau:
Có trách nhiệm thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 2 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 4 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km; thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 1 giờ đối với tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở xuống và ít nhất 2 giờ đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km.
Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định
Quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định theo Điều 15 Thông tư 36/2024 như sau:
Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng mẫu của đơn vị kinh doanh vận tải đã quy định; mang theo lệnh vận chuyển đối với chuyến xe đang khai thác.
Thực hiện đúng lệnh vận chuyển do đơn vị kinh doanh vận tải cấp; đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các điểm dừng đón, trả khách và chạy đúng hành trình.
Không được chở quá số người cho phép chở, không được chở vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe ô tô; hành lý, hàng hóa ký gửi phải được xếp dàn đều trong khoang chở hành lý, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, thực phẩm tươi sống không chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, phòng dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường; hàng nguy hiểm trên xe khách. Khi nhận hàng hóa ký gửi theo xe ô tô tuyến cố định (người gửi hàng không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về hàng hóa và họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận hàng.
Đảm bảo mọi hành khách trên xe đều có vé; hướng dẫn, sắp xếp cho hành khách ngồi, nằm đúng chỗ theo vé, phổ biến các quy định khi đi xe, giúp đỡ hành khách; bố trí chỗ ngồi, nằm ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em; có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.
Yêu cầu bến xe khách xác nhận thông tin quy định trong lệnh vận chuyển trước khi xe xuất bến và khi xe về bến.
Giữ gìn vệ sinh phương tiện.
Điều khiển xe có mặt tại bến xe khách trước giờ xe xuất bến tối thiểu 10 phút để thực hiện các tác nghiệp có liên quan tại bến xe theo quy trình bảo đảm an toàn giao thông.
Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Đường bộ 2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh đối với người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tuyến cố định trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Đắk Nông: Tin mới vụ phó giám đốc bị phát hiện dùng bằng đại học không hợp pháp
Ngày 6/12, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ xử lý đơn xin nghỉ việc của ông L.T.C - Phó giám đốc ban.
Trước khi giải quyết nguyện vọng của ông C., Sở Nội vụ đã có văn bản gửi Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT), để xác thực bằng đại học. Sau khi có kết quả chính thức, Sở Nội vụ mới tham mưu tỉnh giải quyết đơn xin nghỉ việc của ông C.
Bởi trước khi có đơn xin nghỉ việc, ông C. bị phát hiện dùng bằng đại học không hợp pháp.
Cụ thể, ông C., gửi hồ sơ đến Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực xây dựng. Trong hồ sơ, ông có kèm bằng đại học ngành đào tạo xây dựng cầu - đường, do Trường Đại học GTVT cấp năm 2007.
Sau đó, cục này có công văn gửi đến Trường Đại học GTVT để xác nhận bằng cấp. Ngày 14/10, trường này xác nhận không cấp văn bằng như trên cho ông C.
Từ căn cứ trên, Cục Quản lý hoạt động xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng thu hồi toàn bộ chứng chỉ trong trong lĩnh vực xây dựng đã cấp cho ông C.
Ngày 28/11, Sở Xây dựng Đắk Nông đã có quyết định thu hồi chứng chỉ giám sát thi công xây dựng công trình giao thông cầu đường bộ - hạng II còn hiệu lực đến ngày 19/7/2026; Giám sát thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật - hạng II; Quản lý dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật – hạng II, còn thời hạn đến ngày 22/3/2028; thu hồi các chứng chỉ nêu trên cấp cho ông C (các chứng chỉ đều đã hết hiệu lực từ theo thứ tự năm 2018 và 2023).
Về phía ông C., sau khi bị phát hiện dùng bằng không hợp pháp, đã nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 2/12 vì lý do sức khỏe và phải giải quyết công việc gia đình.
Gánh nặng bảo hiểm thiên tai ngày càng lớn đối với kinh tế thế giới
Theo phóng viên tại Thụy Sĩ, tập đoàn bảo hiểm Swiss Re ngày 5/12 đã công bố báo cáo cho thấy thiên tai gây ra thiệt hại kinh tế 310 tỷ USD trên toàn cầu vào trong 2024, tương đương mức tăng 6% so với năm ngoái.
Thông báo của tập đoàn cũng ước tính tổn thất được bảo hiểm tăng 17% theo năm lên 135 tỷ USD, với các cơn bão tàn phá khu vực Helene và Milton ở Mỹ cùng lũ lụt dữ dội ở châu Âu đẩy chi phí lên cao. Đây cũng là năm thứ năm liên tiếp tổn thất được bảo hiểm vượt quá 100 tỷ USD.
Ông Balz Grollimund – người đứng đầu bộ phận thảm họa và rủi ro của Swiss Re – nhận định: “Phần lớn gánh nặng ngày càng tăng này là kết quả của sự tập trung giá trị ở các khu vực thành thị, tăng trưởng kinh tế và chi phí tái thiết ngày càng cao”.
Swiss Re cũng nhấn mạnh đến tác động của biến đổi khí hậu, khi năm nay được dự đoán là năm nóng nhất trong thời gian qua. Theo đó, sự nóng lên toàn cầu có thể khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn, không chỉ do nhiệt độ cao mà còn do hiệu ứng của lượng nhiệt tăng thêm trong khí quyển và biển.
Cũng trong báo cáo, Swiss Re đặc biệt nhấn mạnh đến chi phí bảo hiểm lũ lụt đang gia tăng trong năm 2024. Đây cũng là năm có chi phí bảo hiểm cao thứ ba trên toàn thế giới đối với loại rủi ro này và là năm có chi phí bảo hiểm cao thứ hai ở châu Âu. Chỉ riêng lũ lụt dữ dội ở châu Âu đã gây ra khoảng 10 tỷ USD thiệt hại được bảo hiểm trong năm nay.
Cùng với đó, Swiss Re cũng đề cập tới trận lũ lớn ở vùng Vịnh hồi tháng 4 năm nay, làm gián đoạn hoạt động tại sân bay Dubai. Còn tại Mỹ, bão Helene và Milton liên tiếp tấn công miền Đông Nam nước này vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, gây ra thiệt hại được bảo hiểm ước tính lên tới 50 tỷ USD. Theo ước tính, cùng với tần suất cao của các cơn bão lớn, Mỹ chiếm ít nhất 2/3 ba tổng số tổn thất được bảo hiểm trên toàn cầu vào năm 2024.
Cuối cùng, Swiss Re cảnh báo rằng tổn thất được bảo hiểm toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong khi giá trị tài sản tăng ở các khu vực có nguy cơ cao do đô thị hóa. Do đó, thích ứng là chìa khóa và các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như xây dựng hệ thống đê, đập và cống thoát nước.
WHO phê chuẩn phương pháp đầu tiên xét nghiệm nhanh, chính xác cho bệnh lao
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức phê duyệt phương pháp chẩn đoán nhanh và chính xác Xpert MTB/RIF Ultra cho bệnh lao – căn bệnh cướp đi mạng sống của 1,25 triệu người trên thế giới vào năm ngoái.
Theo thông báo ngày 5/12, WHO cho biết xét nghiệm do công ty Cepheid của Mỹ phát triển, có khả năng phát hiện vi khuẩn gây bệnh lao trong mẫu đờm chỉ trong vài giờ. Không chỉ vậy, Xpert MTB/RIF Ultra còn có thể xác định được các chủng vi khuẩn kháng thuốc, giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn.
Việc WHO phê duyệt xét nghiệm này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực đẩy mạnh chẩn đoán và điều trị bệnh lao trên toàn cầu.
Bằng cách cung cấp một công cụ chẩn đoán nhanh, chính xác và dễ sử dụng, WHO hy vọng sẽ giúp các quốc gia, đặc biệt là những nước có gánh nặng bệnh lao cao, tăng cường khả năng phát hiện và điều trị bệnh nhân sớm, từ đó hạn chế sự lây lan của bệnh và giảm thiểu số ca tử vong.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca mắc bệnh lao mới trên toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023, với khoảng 8,2 triệu người mắc bệnh - con số cao nhất kể từ khi căn bệnh này được theo dõi và giám sát vào năm 1995. Năm quốc gia gồm Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Philippines và Pakistan chiếm hơn một nửa số ca bệnh lao toàn cầu, trong đó riêng Ấn Độ chiếm 1/4 số ca mắc.
WHO cho biết với 1,25 triệu ca tử vong do bệnh lao, căn bệnh này có thể đã trở lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới do một tác nhân truyền nhiễm duy nhất, sau ba năm bị dịch COVID-19 thay thế.
Nhiệt độ trung bình tháng 11 ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1961
“Nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục so với cùng thời kỳ trong lịch sử, các đợt không khí lạnh ít hơn. Nhiệt độ trung bình toàn quốc là 5,1°C, cao hơn 1,9°C so với cùng kỳ hàng năm và cao nhất cùng thời kỳ trong lịch sử kể từ năm 1961. Trong tháng 11 có 3 đợt không khí lạnh, ít hơn 1,3 đợt so với cùng kỳ hàng năm”, ông Giả Tiểu Long (Jia Xiaolong), Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo ngày 5/12.
Trong khi đó, lượng mưa tại Trung Quốc nhiều hơn, nhiều nơi phá kỷ lục về lượng mưa trong một ngày vào tháng 11. Hoạt động của bão cũng diễn ra bất thường, với 4 cơn bão hình thành trong cùng tháng, hơn 1,9 cơn bão so với mức trung bình cùng kỳ những năm trước.
Quan chức này cũng cho biết, các đợt không khí lạnh sẽ thường xuyên xảy ra trong tháng 12, với sự biến động nhiệt độ đáng kể trên hầu hết cả nước Trung Quốc. Ba rủi ro khí tượng lớn được dự báo có thể xảy ra trong tháng 12 do các đợt không khí lạnh thường xuyên, đó là nhiệt độ thấp, gió mạnh và thảm họa mưa tuyết đóng băng, gây ảnh hưởng đến các ngành nông nghiệp, giao thông và năng lượng của nước này./.