Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, yêu cầu về cải cách hành chính tư pháp (PS CM CCHC 23 9)
Mô hình các phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh.

Thông qua việc phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm tại các địa phương trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cao trong việc tuyên truyền ý thức pháp luật cho nhân dân, nâng cao ý thức trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tại phiên tòa, thông qua việc công bố cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, việc tranh luận, đối đáp của Kiểm sát viên về các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát, về trách nhiệm của Kiểm sát viên người thay mặt nhà nước giữ quyền công tố tại phiên tòa. Qua phiên tòa rút kinh nghiệm đã tạo động lực cho các Kiểm sát viên phấn đấu để không ngừng nâng cao vị thế vai trò của Kiểm sát viên trước yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Kiểm sát viên Đàm Thị Hoàn, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự - Viện Kiểm sát nhân tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đối với việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm thì giúp những kiểm sát viên cũng như thẩm phán tự đúc rút được cho mình bài học kinh nghiệm cũng như là tự nâng cao được kỹ năng trong công tác xét xử. Đây cũng là một cách tự đào tạo tiết kiệm nhất đối với việc nâng cao trình độ của kiểm sát viên và thẩm phán. Giữa tòa án và Viện kiểm sát hai cấp luôn luôn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và chúng tôi cũng đề ra đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá công tác hằng năm. Đơn vị cũng rất là tạo điều kiện cho chúng tôi tham dự các phiên tòa và trong thời gian vừa qua tất cả các vụ án xét xử không oan sai, bỏ lọt tội phạm”.

Từ hiệu quả mang lại của việc phối hợp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, rút kinh nghiệm Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và Tòa án chọn các vụ án trọng điểm và đưa về các địa phương trên địa bàn huyện để xét xử lưu động và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cho cán bộ. Nhìn chung, các đơn vị đã chú trọng chọn các vụ án hợp lý để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên: “Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh thái nguyên và Tòa án nhân dân tỉnh thái nguyên cũng đã tổ chức rất nhiều phiên tòa kinh nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chỉ thị 08 và nghị quyết 49 của Bộ chính trị về cải cách tư pháp. Để tiếp tục phát huy những gì đã đạt được và khắc phục những nhược điểm đang tồn tại trong thời gian tới Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thái nguyên tiếp tục đề ra phương hướng để thực hiện việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, coi đây là khâu đột phá nhằm khẳng định vị thế vai trò và hình ảnh của ngành kiểm sát”.

Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, yêu cầu về cải cách hành chính tư pháp (PS CM CCHC 23 9)
Các phiên tòa rút kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên

Trong thời gian qua các Tòa án nhân dân trong toàn quốc nói chung và Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có sự phối hợp chặt chẽ đối với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức được rất nhiều những phiên tòa rút kinh nghiệm. Nếu như trước đây chỉ mới dừng lại phiên tòa rút kinh nghiệm đối với các vụ án hình sự thì trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử năm 2017 tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn tất cả các tòa án địa phương tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ đối với vụ án hình sự mà tất cả các vụ án thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở đó, trong những năm vừa qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của tỉnh đã phối hợp rất nhiều các phiên tòa rút kinh nghiệm với mục đích để giúp cho các thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên và cán bộ làm nghiệp vụ tòa án nói riêng và đội ngũ kiểm sát viên, kiểm tra viên và cán bộ nghiệp vụ của Viện kiểm sát nâng cao tinh thần trách nhiệm tự học hỏi tự đúc rút kinh nghiệm rút ra bài học nâng cao kỹ năng xét xử, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình xét xử các vụ án đặc biệt là trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.

Ông Bùi Đức Thuận, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết về phương hướng trong thời gian tới: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh tăng cường việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng như với các cơ quan có liên quan tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm ngày càng nâng cao tính dân chủ, đúng pháp luật và nâng cao tranh tụng tại phiên tòa. Từ đó, góp phần đưa ra bản án quyết định đúng pháp luật và có sức thuyết phục cao”.

Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án và hoạt động xét xử của kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án và đội ngũ cán bộ, các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ của hai cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kiến thức, kỹ năng điều hành phiên tòa, xử lý tình huống trong phiên tòa nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay./.