1. Sau Tết, gửi tiền ở đâu nhận lãi cao?

Sau Tết là thời điểm lượng tiền nhàn rỗi khá lớn trong dân cư, gồm tiền thưởng, tiền dư dả không chi tiêu hết trong dịp nghỉ lễ.

Mặt bằng lãi suất hiện phổ biến ở mức 8-9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mặt bằng lãi suất hiện tại so với những tháng cuối năm 2022 đã "hạ nhiệt" song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Theo ghi nhận của phóng viên, mức lãi suất tiền gửi tại ngân hàng ở các kỳ hạn phổ biến như 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng chênh lệch không quá lớn.

Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 6,5-8,8%/năm với hình thức gửi tại quầy, 7-9,4%/năm cho hình thức gửi online.

Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động ở mức 6,5-9%/năm nếu gửi tại quầy và 7-9,5% nếu gửi online.

Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động ở mức 7-9,5%/năm nếu gửi tại quầy và 8-9,8%/năm nếu gửi online.

Thực tế, mức lãi suất kể trên so với những tháng cuối năm 2022 đã "hạ nhiệt". Hồi giữa tháng 12/2022, trước việc một số đơn vị đẩy lãi suất huy động lên 11-12%/năm, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay nên đã đề xuất mức lãi suất (gồm cả phần khuyến mại) cao nhất chỉ 9,5% và được nhiều nhà băng ủng hộ.

Với kỳ hạn 12 tháng, ở hình thức gửi tại quầy, hiện chỉ có Saigonbank niêm yết lãi suất huy động trên 9,5%/năm còn ở hình thức online có một số đơn vị là NCB, Saigonbank, MSB, NCB.

Còn tại nhóm ngân hàng Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, lãi suất tại quầy với kỳ hạn 12 tháng đồng loạt là 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.

Thực tế, thời điểm kết thúc Tết Nguyên đán là lúc lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư ồ ạt trở lại hệ thống ngân hàng. Hàng năm, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tiền gửi tại các nhà băng thường giảm trong tháng 12, và bật tăng mạnh vào tháng 1, tháng 2. Nhiều ngân hàng từ trước Tết cũng đã rục rịch cho ra các chương trình ưu đãi để hút tiền người dân, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.

Theo nhận định từ Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Công ty chứng khoán này cho rằng áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm.

Đơn vị này dự báo, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5% trong những tháng nửa đầu năm 2023. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo VCBS là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.

Còn VNDirect lại dự báo lãi suất huy động có thể tăng 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, ACBS lại nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.

2. Số ca khám, cấp cứu trong 5 ngày nghỉ Tết tăng cao

Số ca khám, cấp cứu trong 5 ngày nghỉ Tết trên toàn quốc tăng 35,6% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn, ngộ độc ghi nhận từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc tính từ 7 giờ ngày 24/1 đến 7 giờ ngày 25/1 (tức ngày Mùng 4 Tết Quý Mão 2023) cho thấy, có 101.947 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 47.836 bệnh nhân, tăng 22,4%, nhập viện điều trị nội trú 26.109 bệnh nhân, tăng 29,9% so với cùng ngày năm trước; làm thủ tục chuyển viện cho 2.250 bệnh nhân; vận chuyển 2.303 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện; thực hiện 2.746 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 551 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.

Các cơ sở y tế đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.137 trẻ chào đời và cho xuất viện 14.994 bệnh nhân về nhà ăn Tết.

Trong 5 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện khám, cấp cứu cho 242.108 bệnh nhân, tăng 35,6%; số bệnh nhân nhập viện nội trú là 113.869 bệnh nhân, tăng 37% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Trong đó, số ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu tăng 11% với 2.482 ca.

Từ 7 giờ ngày 24/1 đến 7 giờ ngày 25/1, số lượt tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 1.879 trường hợp, tăng 19,0% so với cùng ngày năm trước, chuyển tuyến trên điều trị 445 trường hợp. Tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về là 37 ca, giảm 8% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022.

Như vậy, tính đến 7 giờ ngày mùng 4 Tết Quý Mão 2023, sau 5 ngày nghỉ Tết, 8.095 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, chiếm 36,3% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 18,5%; có 182 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 20 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng sau 5 ngày nghỉ Tết, 377 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 129 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022, không có ca tử vong. 2.521 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 43% trong số đó là 1.073 ca phải nhập viện điều trị, theo dõi và 7 trường hợp tử vong.

3. Khuyến cáo không uống rượu bia quá 2 lần mỗi tuần

Cách tốt nhất để phòng chống bệnh tật là không uống một giọt rượu bia nào hoặc khi không thể từ chối, chỉ nên uống rượu bia không quá 2 lần mỗi tuần.

Đây là khuyến cáo mới nhất được Trung tâm Nghiên cứu sử dụng chất gây nghiện Canada đưa ra trong một báo cáo dài gần 90 trang vừa được công bố.

Liều lượng bia rượu được Canada khuyến cáo là mỗi người không nên uống rượu bia quá 2 lần trong một tuần, mỗi một lần không nên uống quá 335 ml bia 5 độ, một ly rượu vang 148 ml 12 độ hoặc một chén rượu mạnh 40 độ.

Liều lượng này giảm mạnh so với khuyến cáo được đưa ra vào năm 2011. Theo đó, nữ giới không nên uống quá 10 lon bia, đàn ông không uống quá 15 lon bia một tuần.

Báo cáo này được Bộ Y tế Canada bảo trợ, cho rằng việc uống rượu bia 2 lần một tuần sẽ giảm thiểu được rủi ro về sức khỏe, bao gồm cả ung thư, đau tim hay đột quỵ.

Báo cáo cũng đề nghị dán nhãn cảnh báo tác hại của rượu bia với sức khỏe, chỉ nên uống 2 lần mỗi tuần lên vỏ chai như các cảnh báo được dán trên bao thuốc lá. Báo cáo này chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị ràng buộc pháp lý.

4. WHO kêu gọi bảo vệ trẻ em trước thuốc ho nhiễm độc

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước, nhà sản xuất và cung cấp dược phẩm phải có hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ trẻ em trước thuốc ho nhiễm độc.

Trong năm 2022, hơn 300 trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, ở Gambia, Indonesia và Uzbekistan tử vong có liên quan đến các loại thuốc nhiễm độc dẫn đến tổn thương thận cấp tính. Các thuốc này là siro ho được bán không cần có đơn bác sĩ. Chúng chứa hàm lượng cao diethylene glycol và ethylene glycol.

Tổng Giám đốc WHO cho biết, những chất hóa học độc hại này thường được sử dụng làm dung môi trong công nghiệp và chất chống đông; chỉ hấp thu một lượng nhỏ cũng có thể gây chết người và không được phép có trong dược phẩm. WHO đã ra cảnh báo cụ thể đến các loại thuốc siro ho do 2 công ty Ấn Độ là Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech sản xuất. Những thuốc này có liên quan đến các trường hợp tử vong ở trẻ em Gambia và Uzbekistan. WHO cũng cảnh báo về các loại thuốc siro ho của 4 nhà sản xuất Indonesia PT Yarindo Farmatama, PT Universal Pharmaceutical, PT Konimex và PT AFI Pharma. WHO và đề nghị dừng lưu hành toàn bộ các loại thuốc ho này.

Trong thông báo vào ngày 23/1, WHO nhắc lại lời kêu gọi loại bỏ các sản phẩm trên khỏi lưu thông, kêu gọi các quốc gia đảm bảo rằng tất cả các loại thuốc được bày bán đều đã qua kiểm định.

Theo WHO, Philippines, Timor Leste, Senegal và Campuchia cũng có thể bị ảnh hưởng do có phân phối loại siro này. WHO kêu gọi 194 quốc gia thành viên hành động để ngăn số ca tử vong do dùng thuốc. WHO cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra những nhà sản xuất, tăng cường giám sát thị trường và có hành động khi cần thiết.

WHO kêu gọi các nhà sản xuất chỉ mua nguyên liệu từ những nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn và kiểm tra nguyên liệu nghiêm ngặt. Đối với các nhà cung cấp và nhà phân phối, WHO khuyến nghị nên kiểm tra những dấu hiệu làm giả và chỉ phân phối các loại thuốc được phép sử dụng.

5. 7 ngày nghỉ Tết: Số vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn giảm mạnh

Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Cục CSGT (C08 – Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 89 người, bị thương 111 người. So sánh với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2022, giảm 12 vụ (-7,32%), giảm 3 người chết (-3,26%), tăng 8 người bị thương (+7,77%); So sánh với 7 Ngày Tết năm 2019 (thời gian trước dịch Covid), giảm 71 vụ (-31,84%), giảm 51 người chết (-36,43%), giảm 101 người bị thương (-47,64%).

Theo Cục CSGT đánh giá, những vụ TNGT xảy ra nhiều vào khung giờ người dân tập trung tham gia giao thông, đi chơi Tết nhiều: từ 0-2h; 14-16h và từ 18-22h; riêng 8 giờ trong khung giờ này xảy ra 83 vụ (chiếm 56,46% về số vụ), làm chết 55 người (chiếm 64,71% về số người chết), bị thương 60 người (chiếm 55,05% về số người bị thương).

Tỉ lệ ô tô tải, sơ mi rơ mooc liên quan trong các vụ TNGT dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 9,09% giảm rất sâu so với tỉ lệ TNGT liên quan đến loại phương tiện này Tết Nguyên đán năm 2022 và trong cả năm 2022 (trong thông báo tình hình TNGT năm 2022, loại ô tô tải, sơ mi rơ mooc liên quan trong các vụ TNGT chiếm tỉ lệ trung bình 25%).

Tỉ lệ mô tô, xe máy liên quan trong các vụ TNGT vẫn ở mức cao: 68,77% (trong thông báo tình hình TNGT năm 2022, các loại mô tô, xe máy liên quan trong TNGT chiếm tỉ lệ trung bình 55,68%).

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông được Cục CSGT lý giải là: "Đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định là 22 vụ, chiếm tỉ lệ 14,97%; Không chú ý quan sát: 14 vụ, chiếm tỉ lệ 9,52%; Chuyển hướng không đúng quy định: 6 vụ, chiếm tỉ lệ 4,08%; Không chấp hành quy định nhường đường tại nơi giao nhau: 5 vụ, chiếm tỉ lệ 3,40%; Không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước: 3 vụ, chiếm tỉ lệ 2,04%; Sử dụng rượu, bia: 2 vụ, chiếm tỉ lệ 1,36%; Không chấp hành quy định về tốc độ: 2 vụ, chiếm tỉ lệ 1,36%; Do người đi bộ qua đường không đúng quy định: 2 vụ, chiếm tỉ lệ 1,36%; Không chấp hành báo hiệu đường bộ: 2 vụ, chiếm tỉ lệ 1,36%; Vượt xe không đúng quy định: 01 vụ, chiếm tỉ lệ 0,68%; Mệt mỏi, ngủ gật: 1 vụ, chiếm tỉ lệ 0,68%; Dừng, đỗ không đúng quy định: 1 vụ, chiếm tỉ lệ 0,68%; Chưa rõ nguyên nhân hoặc đang điều tra là 86 vụ = 58,50%".

“Nguyên nhân TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia xảy ra 2 vụ, đã giảm sâu so với 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2022 (xảy ra 16 vụ) và 7 ngày Tết Nguyên đán năm 2019 (xảy ra 7 vụ). Để có thể giảm được tỉ lệ này có một phần do lực lượng CSGT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý quyết liệt xuyên Tết với mục tiêu lấy dân làm trung tâm làm động lực và kiềm chế làm giảm tối đa các nguyên nhân dẫn đến TNGT”, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) chia sẻ.

6. Không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ

Trong đợt không khí lạnh từ ngày 28-30/1, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khoảng đêm 26, ngày 27/1, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6.

Từ ngày 27/1, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Từ ngày 28/1, khu vực Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế phổ biến 14-17 độ C.

Trong đêm 26, sáng 27/1, vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa, mưa rào nhẹ rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 27-28/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Từ ngày 28-30/1, khu vực Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ trời rét đậm, có nơi rét hại; vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Trên biển, từ gần sáng 27/1, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 1-4m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m, biển động mạnh.

Từ ngày 27/1, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh; vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4,5m, biển động.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Thời tiết các khu vực ngày và đêm 26/1: Phía Tây Bắc Bộ có mây, trời nắng, đêm nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Trời rét, có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, có nơi dưới 6 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C, có nơi trên 21 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ có mây, trời nắng; đêm nhiều mây, có mưa, mưa rào nhẹ rải rác và có nơi có dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3; từ đêm gió mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C, vùng núi 9-12 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C. Nhiệt độ cao nhất 17-20 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 14 độ C.

Thủ đô Hà Nội có mây, trời nắng; đêm nhiều mây, có mưa, mưa rào nhẹ rải rác. Gió Đông Bắc cấp 2-3; từ đêm gió mạnh dần lên cấp 3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 13-15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 17-20 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C. Nhiệt độ cao nhất 18-21 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mây, ngày nắng, đêm có mưa rào vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 17-20 độ C, phía Nam 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 23-26 độ C, phía Nam 27-30 độ C.

Khu vực Tây Nguyên ngày nắng, đêm có mưa vài nơi. Gió Đông Bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C.

Nam Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.

7. Quy định mới về quản lý tiền công đức

Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mới về quản lý tiền công đức. Cụ thể, Thông tư 04/2023/TT-BTC về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích...

quy định khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Về tiếp nhận tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 19/3/2023.

8. Xu hướng công nghệ nổi bật năm 2023

Một số công nghệ tiềm năng đang được kỳ vọng sẽ cất cánh trong năm Quý Mão 2023.

Bước sang năm mới cũng là thời điểm các chuyên gia đưa ra dự báo về những xu hướng nổi bật thời gian tới, trong đó có lĩnh vực công nghệ. Một số hướng đi tiềm năng đang được kỳ vọng sẽ cất cánh trong năm Quý Mão này.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

"Tôi là một mô hình ngôn ngữ lớn, làm nhiệm vụ giúp đỡ người dùng trả lời các câu hỏi. Tôi không được tra thông tin từ Internet mà sẽ trả lời bằng các kiến thức đã được luyện trước".

Đó là một cuộc phỏng vấn được thực hiện mới đây bởi kênh Channel 4 của Anh nhưng không phải với người thật mà là ChatGPT - hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo cơn sốt với 1 triệu người dùng chỉ trong vòng một tuần thử nghiệm đầu tiên. Điểm đặc biệt của ChatGPT là khả năng trả lời câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, từ lập chương trình ăn kiêng cho tới viết bài luận ngắn.

Đây chỉ là một trong hàng loạt chương trình AI nổi bật được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng trong năm nay, ví dụ như tính năng theo dõi và cảnh báo tín hiệu sức khỏe bất thường trên đồng hồ thông minh của Apple hay hệ thống chống ồn nhiễu trực tuyến do Qualcomm phát triển.

Công nghệ robot

Đi cùng với AI, các chuyên gia cũng đặt nhiều niềm tin vào bước tiến của công nghệ robot, đặc biệt là những robot tương tác cao với người dùng. Một ví dụ điển hình là chú chó robot vừa được một công ty Trung Quốc phát triển với khả năng giao tiếp như vật nuôi hay đồng tiến nhảy múa.

Nhiều công ty khác như Tesla lại đặt mối quan tâm vào những robot hình người kích cỡ lớn, với khả năng làm thay con người ở nhiều công việc khác nhau như bê vác vật nặng lên tới trên 70 kg.

Công nghệ thanh toán thông minh

Dù không quá đình đám nhưng nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao vào khả năng tiến bộ của công nghệ thanh toán thông minh trong năm nay. Điển hình như hãng Amazon đang chuẩn bị thử nghiệm tính năng cho phép xác nhận thanh toán bằng cách xòe bàn tay.

Đặc biệt, công nghệ thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, còn gọi là Smile to Pay, khởi đầu tại Trung Quốc.

Công nghệ này đang được một số hãng thanh toán lớn tích cực thử nghiệm với kỳ vọng sẽ tung ra toàn cầu thời gian tới.

9. Lào Cai: "Hot Facebooker" bị bắt vì tàng trữ ma túy

Công an thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa bắt quả tang 1 đối tượng có hành vi tàng trữ nhiều loại ma túy trong phòng nghỉ tại 1 khách sạn trên địa bàn.

Theo CAND, qua công tác rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn, đến khoảng 13h40’ ngày 24/1, lực lượng chức năng Công an thị xã Sa Pa phát hiện tại phòng nghỉ số 704, khách sạn Pao’s (thuộc tổ 1, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa) có biểu hiện nghi vấn tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tổ công tác bất ngờ kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang đối tượng T.N.H.T (sinh năm 1985, HKTT tại tổ 13, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tang vật thu được tại hiện trường gồm 29.93g ma túy gồm ma túy tổng hợp MDMA, Ketamine, cần sa và một số loại nghi là ma túy tổng hợp khác. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật đồng thời đưa đối tượng về trụ sở để tiếp tục điều tra làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng T. khai đi từ Hà Nội lên thị xã Sa Pa thuê phòng nghỉ. Toàn bộ số ma túy kể trên được đối tượng mang từ nhà để sử dụng.

Được biết, T. là một người nổi tiếng trên MXH Facebook và Tiktok với nickname T*** S**** với hàng chục nghìn lượt theo dõi.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện đã quyết định tạm giữ hình sự đối tượng T. để điều tra, làm rõ và xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

10. Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ cháy, nổ nghiêm trọng

Đây là đề xuất của lực lượng Cảnh sát PCCC trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn...

Thời gian qua, tình hình cháy nổ cháy, nổ, diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, quán karaoke..., một số vụ làm chết nhiều người, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát phòng chữa cháy kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.741 vụ cháy, làm chết 110 người, bị thương 86 người, tài sản thiệt hại ước tính hơn 634 tỷ đồng và hơn 1.500 hecta rừng. So với năm 2021 số vụ cháy giảm hơn 500 vụ; số người bị thương giảm, tuy nhiên số người chết do cháy tăng 29 người và thiệt hại tài sản tăng hơn 200 tỷ đồng. Số vụ cháy và sự cố cháy chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị.

Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện chiếm hơn 51%, còn lại là do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do đốt cỏ, rác. Đáng lưu ý, số vụ cháy tập trung chủ yếu tại khu vực nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm hơn 46% và có nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên tình hình cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường, nhà dân làm thiệt hại nghiêm trọng về người; cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy…

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn còn nhiều lúng túng, các địa phương chưa thống nhất trong kiểm tra, kiến nghị cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm theo quy định.

Năm 2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tăng cường hướng dẫn Công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về phòng cháy chữa cháy kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tham mưu đề xuất xem xét trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết: “Lực lượng cảnh sát phòng cháy cần phải nâng cao hơn nữa về năng lực về nghiệp vụ, về pháp luật, kỹ chiến thuật chữa cháy cứu hộ để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy trong tình hình mới. Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành có liên quan cũng như là Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ, chặt chẽ có hiệu quả những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hộ. Đồng thời lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng sẽ đổi mới đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, kiến thức về kỹ năng phòng cháy, kỹ năng chữa cháy và kỹ năng thoát nạn cho cộng đồng người dân”./.