Tin 24h ngày 25/7/2024
Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Ban Lễ tang gồm 35 thành viên do Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng ban. Ban Tổ chức Lễ tang gồm 27 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm Trưởng Ban.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7/2024 và từ 7h đến 13h ngày 26/7/2024.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Trong hai ngày Quốc tang (25/7/2024 và 26/7/2024), các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí công cộng.
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944; quê quán: xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thường trú tại nhà số 5 phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia công tác ngày 5/12/1967; vào Đảng ngày 19/12/1967.
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Tháng 12/1967: Đồng chí làm cán bộ Phòng Tư liệu Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản); ngày 19/12/1967, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 8/1968 - Tháng 8/1973: Đồng chí là cán bộ biên tập Tạp chí Cộng sản; đi thực tế ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội); làm Bí thư Chi đoàn Cơ quan Tạp chí Cộng sản.
Tháng 9/1973 - Tháng 4/1976: Đồng chí làm nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị tại Trường
Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Tháng 5/1976 - Tháng 8/1980: Đồng chí làm cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Phó Bí thư Chi bộ.
Tháng 9/1980 - Tháng 8/1981: Đồng chí học Nga văn tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 9/1981 - Tháng 7/1983: Đồng chí là thực tập sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Khoa học lịch sử (chuyên ngành Xây dựng Đảng) ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 8/1983 - Tháng 8/1987: Đồng chí làm Phó Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Tháng 9/1987 - Tháng 2/1989: Đồng chí làm Trưởng Ban Xây dựng Đảng; Phó Bí thư Đảng uỷ (từ tháng 7/1985 - tháng 12/1988), Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tạp chí Cộng sản (tháng 12/1988 - tháng 12/1991).
Tháng 3/1989 - Tháng 4/1990: Đồng chí làm Uỷ viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 5/1990 - Tháng 7/1991: Đồng chí làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tháng 8/1991 - Tháng 8/1996: Đồng chí làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (tháng 1/1994), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
Tháng 8/1996 - Tháng 2/1998: Đồng chí làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
Tháng 2/1998 - Tháng 1/2000: Đồng chí phụ trách công tác Tư tưởng - Văn hoá và Khoa giáo của Đảng.
Tháng 3/1998 - Tháng 11/2006: Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 - tháng 8/2006).
Tháng 8/1999 - Tháng 4/2001: Đồng chí tham gia Thường trực Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 1/2000 - Tháng 6/2006: Đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội các khoá XII, XIII, XIV.
Tháng 5/2002 - đến nay: Đồng chí là Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV, XV.
Tháng 6/2006 - Tháng 7/2011: Đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, XII, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tháng 1/2011 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá XI, XII, XIII, Bí thư Quân uỷ Trung ương.
Tháng 2/2013 - đến nay: Đồng chí làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tháng 8/2016 - đến nay: Đồng chí tham gia Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.
Tháng 10/2018 - 4/2021: Đồng chí làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tháng 4/2021 - đến nay: Đồng chí là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Do có nhiều công lao to lớn và đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế: "Huân chương Vàng quốc gia" của Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, "Huân chương Hữu nghị" của Đảng và Nhà nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, "Giải thưởng Lênin" giải thưởng cao quý nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga; "Huân chương José Marti" của Đảng, Nhà nước Cộng hoà Cu Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
TP Hồ Chí Minh: Người dân đội mưa đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Người dân che ô đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Trưa 25/7, Thành phố Hồ Chí Minh đổ mưa tầm tã, dù vậy các đoàn và người dân vẫn đến đăng ký để vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mặc dù trời mưa to, nhưng người dân các tỉnh phía Nam vẫn đến Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh để bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lực lượng cảnh sát giao thông mặc áo mưa để điều tiết giao thông tại khu vực công ra vào Hội trường Thống Nhất.
Đoàn thanh niên TTXVN hỗ trợ thông tin và nước uống cho người dân đến viếng Tổng Bí thư
Chi đoàn Văn Phòng - Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã bố trí các điểm phục vụ nước uống miễn phí cho người dân đến viếng và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phó Bí thư Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam Cao Chử Diệu Linh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chi đoàn Văn phòng, trực thuộc Đoàn thanh niên TTXVN, đã nhanh chóng họp bàn, lên kế hoạch và triển khai bố trí các điểm cung cấp nước uống phục vụ Nhân dân và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong Lễ Quốc tang.
"Hoạt động này của Chi đoàn Văn phòng nói riêng và Đoàn thanh niên TTXVN nói chung, được tổ chức để góp chút sức nhỏ trong Lễ Quốc tang, cũng như bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng Tổng Bí thư vì những công lao to lớn mà Tổng Bí thư đã cống hiến cho quê hương, đất nước", Phó Bí thư Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ.
Sau 18h ngày 25/7, Nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ tang, từ 18h ngày 25/7, Nhân dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/7/2024.
Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), cùng thời gian này tại Hội trường Thống nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang.
Bức tranh kính với hàng nghìn ảnh chân dung tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bức tranh kính chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghép từ hàng nghìn tấm ảnh nhỏ của bác. |
Sáng 25/7, khi lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thì các nghệ sĩ, nghệ nhân và chuyên gia Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật cùng thắp hương tưởng nhớ Nhà lãnh đạo Đảng cao nhất của Việt Nam và hoàn thành Bức tranh kính chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghép từ hàng nghìn tấm ảnh nhỏ của bác.
Những ngày qua, người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vô cùng tiếc thương trước thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Biến nỗi đau buồn thành hành động, đã có nhiều việc làm biểu thị tinh thần yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng trước những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư với dân, với nước. Trong đó, có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khắc họa chân dung Tổng Bí thư giản dị, ấm áp; thể hiện lòng kính yêu của các tác giả dành cho Tổng Bí thư.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân và chuyên gia của Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật vừa hoàn thành Bức tranh kính chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghép từ hàng nghìn tấm ảnh nhỏ của bác.
Nhóm tác giả đã sưu tầm các bức ảnh chân dung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các sự kiện, hoạt động trên các cương vị công tác khác nhau, thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc. Mỗi tấm ảnh nhỏ gắn với một hoạt động, một câu chuyện cụ thể, khi ghép lại tạo thành chân dung của Tổng Bí thư, mang đến cho người xem những cảm xúc bất ngờ về sự hội tụ khoảnh khắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tác phẩm không chỉ được đánh giá cao bởi sự tỉ mỉ, từ việc chọn và sắp xếp hàng nghìn tấm ảnh nhỏ vào vị trí phù hợp tới từng tông màu của bức chân dung lớn, mà còn ở việc thực hiện tác phẩm trên chất liệu kính cường lực, với kỹ thuật thấu quang, tạo độ trong suốt và có độ bền vĩnh cửu.
Ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật cho biết, việc lựa chọn chất liệu kính cường lực với độ bền cao, trong suốt, thấu quang là ý đồ của nhóm tác giả, muốn truyền tải thông điệp: Cả cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống bình dị như những hạt phù sa lắng đọng trên con sông quê hương, qua bao gian lao thử thách đã không ngừng phấn đấu rèn luyện, trở thành “kim cương bất hoại” ngày càng sáng trong và bất tử với thời gian.
"Thông qua việc thực hiện tác phẩm, chúng tôi muốn bày lòng biến ơn vô hạn trước những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ siêu việt, nhà văn hóa tư tưởng, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sống, chiến đấu, tận hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, non sông Đất nước!", ông Vương Xuân Nguyên xúc động chia sẻ.
Thời tiết ngày 25/7: Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nơi mưa to
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/7, khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-40 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm.
Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm, cục bộ có nơi trên 50 mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.
Trên biển, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 1,5-3 m; biển động.
Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Điện Biên: Lũ quét trong đêm khiến ít nhất 7 người chết, mất tích
Hiện trường sau trận lũ quét tại Mường Pồn. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Đêm 24 rạng sáng 25/7, tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bất ngờ xảy ra lũ quét, khiến ít nhất 7 người chết, mất tích, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp.
Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên cho biết, lũ quét bất ngờ xảy ra trong đêm khiến người dân 4 bản: Tin Tốc, Bản Lĩnh, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 không kịp trở tay.
Thống kê nhanh, đến 7 giờ 30 phút 25/7, đã có 2 người chết, 5 người mất tích, 2 người bị thương. Lũ quét khiến 10 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 8 nhà bị hư hỏng một phần, hơn 40ha sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận xã Mường Pồn bị tê liệt hoàn toàn.
Hiện, có khoảng 100 người đang tham gia công tác cứu hộ, chia thành 2 hướng, khẩn trương vừa tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vừa di dời tài sản của người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, trong nhiều giờ tới khu vực huyện Điện Biên vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác tìm kiếm cứu nạn người mất tích của địa phương.
Cứu hộ kịp thời 3 du khách đi lạc trên đỉnh Lang Biang trong đêm
Ngày 25/7, Công an huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, các lực lượng chức năng của huyện, Đội Cứu nạn cứu hộ tự quản thị trấn Lạc Dương, nhân viên bảo vệ Khu du lịch Lang Biang vừa cứu hộ kịp thời 3 du khách bị lạc ở rừng trong đêm.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 17 giờ ngày 24/7, Công an huyện Lạc Dương nhận được tin báo về việc có 3 du khách đi lạc trên đỉnh núi Lang Biang, thuộc Khu du lịch Lang Biang. Ngay sau đó, Công an huyện đã triển khai lực lượng gồm 20 cán bộ, chiến sỹ, phối hợp với Đội Cứu nạn, cứu hộ, tự quản thị trấn Lạc Dương cùng nhân viên bảo vệ Khu du lịch Lang Biang tổ chức tìm kiếm.
Nhóm cứu hộ khoảng 30 người đã chia ra nhiều mũi để tìm kiếm trong thời tiết mưa gió, đêm tối, đường dốc cao, trơn trượt. Nhiều đoạn không có đường đi, lực lượng cứu hộ phải mở đường xuyên qua rừng già.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm được 3 du khách đi lạc tại khu vực rừng già, xung quanh đều có vực sâu trong tình trạng đói rét và tinh thần hoang mang lo sợ. Lực lượng cứu hộ đã đưa các du khách trở về an toàn. Các du khách trên đều ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Huỳnh Minh Châu (sinh năm 1970), Huỳnh Nhật Quang (sinh năm 2009) cùng trú tại đường Lê Văn Huân, Phường 13, quận Tân Bình; Đỗ Minh Dương, sinh năm 2009, trú tại đường Nguyễn Thượng Hiền, Phường 5, quận Phú Nhuận. Sau khi được cứu hộ, cả 3 du khách đều an toàn, mạnh khỏe.
Sau khi về đến nhà nghỉ tại thành phố Đà Lạt an toàn, nhóm du khách trên đã đăng lời cảm ơn trên một số trang mạng xã hội: “Cảm ơn tất cả mọi người đã nhiệt tình, nhanh chóng vào tận nơi cứu hộ. Tấm lòng của mọi người làm nhà mình thật cảm động. Ngày mai nhà mình phải rời Đà Lạt, mong có dịp gặp lại để cảm tạ. Xin nhận ở đây lòng tri ân sâu sắc”…