Tiết kiệm tiền túi chi cho khám chữa bệnh nhờ y tế cơ sở
Sáng 7/11, tại Hội thảo triển khai thực hiện Thông tư 39/2017 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) và Sở Y tế Hà Nội phối hợp tổ chức, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, nếu tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi viện lên tới trên 50% thì đó là là một nền y tế rất mất công bằng.
Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới đặt ra, mức chi tiêu tiền túi cho người dân phải xuống dưới 30%. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 đạt dưới 35% mức chi tiêu tiền túi cho y tế.
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh. |
Theo Thứ thưởng Tuấn, có hai giải pháp để giảm tỉ lệ chi tiêu tiền túi của người dân cho y tế. Giải pháp đầu tiên là BHYT toàn dân, hiện nay Việt Nam đã có 84% dân số tham gia BHYT. Giải pháp thứ hai chính là thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản, tăng cường y tế cơ sở để người dân được tiếp cận điều trị tốt ngay tại địa phương. Do hiện tại, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe là có thể giải quyết được từ tuyến y tế cơ sở, các trung tâm y tế, trạm y tế rất quan trọng, chính là người gác cửa của hệ thống y tế.
Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, gói dịch vụ y tế cơ bản tại Thông tư 39 vừa được Bộ Y tế ban hành, được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và chất lượng. Theo quy định tại Thông tư 39, Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” thực hiện tại tuyến xã và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khoẻ” sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.
Theo đó, tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người dân. Thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản này sẽ là động lực để y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn nâng cao năng lực chuyên môn.
Bộ Y tế cho biết, để thực hiện được gói y tế cơ bản này, trước hết sẽ tiến hành đánh giá năng lực của các trạm y tế, xem khả năng thực hiện được bao nhiêu danh mục. Việc thực hiện sẽ được kiểm tra, đánh giá sau đó. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đưa ra định hướng tích hợp y học gia đình trong trạm y tế, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình trong trạm y tế. Vì thế, giai đoạn đầu Bộ y tế tập trung vào tăng cường năng lực điều trị các bệnh mạn tính.
Tại Hà Nội, Đông Anh và Sóc Sơn là hai địa phương thí điểm thực hiện triển khai thông tư 39 với 24 trạm y tế xã, thị trấn và năng lực cán bộ đáp ứng được Gói dịch vụ y tế cơ bản này.