Thương mại điện tử không dành cho doanh nghiệp “ăn xổi, ở thì”
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015-2018 là 25% và thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam |
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam, xu hướng TMĐT tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, dư địa còn rất nhiều. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản. Do đó, chúng ta cần phải có chiến lược để phát triển.
Đại diện Nielsen cho biết, TMĐT Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đầu phát triển với đặc trưng giảm giá sản phẩm và khuyến mãi. Tiếp đó là giai đoạn của chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, đây đang là thế yếu của không ít các doanh nghiệp Việt.
Với kinh nghiệm 7 năm xúc tiến bán hàng thành công ở các lĩnh vực da giày, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật... và là đối tác lớn của Alibaba tại Việt Nam, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Fado Việt Nam cho rằng, để TMĐT Việt Nam phát triển bứt phá và bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ, yếu tố quyết định chính là bản thân các doanh nghiệp.
Theo ông Đạt, trên nền tảng online, khách hàng không được cầm, chạm trực tiếp vào sản phẩm, do đó đòi hỏi doanh nghiệp bán hàng phải giữ uy tín về chất lượng sản phẩm, về dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Fado Việt Nam |
“Trong khi TMĐT trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ và ở mức độ chín nhất định, Việt Nam nếu muốn vươn ra thế giới thì không thể giữ lối “ăn xổi, ở thì” mà cần có tư duy kinh doanh trực tuyến. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt chưa có năng lực phù hợp với bán hàng trực tuyến”, ông Đạt nhấn mạnh.
Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba (một trong những sàn TMĐT lớn nhất thế giới hiện nay) đã từng nói, vấn nạn hàng giả, hàng nhái chính là những “ung nhọt” của các sàn TMĐT. Và các sàn TMĐT tại Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử- Kinh tế số, Bộ Công Thương, đơn vị thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý vi phạm nhằm giảm thiểu vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Riêng trong năm 2018, riêng Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số đã xử phạt hơn 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm chủ yếu là minh bạch thông tin, hành vi giao dịch và trách nhiệm liên quan.
Cũng theo ông Tuấn, để bảo vệ người tiêu dùng mua tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái trên internet, Bộ Công Thương đang cùng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xây dựng kế hoạch tổng thể chống nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
“Trong thời gian tới có 3 nhiệm vụ chính chúng tôi cần triển khai. Đó là phải nâng cấp sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, từ tháng 9/2018 Bộ Công Thương đã có quyết định tăng cường chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Dự kiến tháng 4/2019 sẽ có lễ ký cam kết để chung tay đẩy lùi nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái…”, ông Tuấn cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bán hàng qua sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng ra thế giới. Song kèm với đó, doanh nghiệp buộc phải lớn trong tư duy bán hàng trực tuyến cho dù chỉ có quy mô nhỏ và vừa./.