Thượng đỉnh Nga - Triều: Nước cờ nhiều toan tính của các bên
Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty) |
Tình hình bán đảo Triều Tiên dường như ổn định hơn sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm 2018 khi cả hai bên đều nhất trí ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào và Triều Tiên tuần này tuyên bố thử nghiệm vũ khí trở lại.
Bây giờ là lúc Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo từ lâu đã thể hiện mong muốn gặp mặt ông Kim Jong-un, thể hiện vai trò to lớn hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên - nước láng giềng thân cận và là đồng minh thời Chiến tranh Lạnh của Nga.
Điện Kremlin hôm qua thông báo hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến diễn ra trước cuối tháng 4, song không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể.
Truyền thông quốc tế đưa tin hội nghị Nga - Triều lần này có thể diễn ra tại thành phố Vlapostok ở vùng viễn đông Nga, nơi cách không xa biên giới trên bộ với Triều Tiên.
Cuộc gặp gần đây nhất giữa nguyên thủ hai nước diễn ra vào năm 2011 khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, đi tàu tới Siberia để tham dự các cuộc hội đàm được bảo vệ an ninh chặt chẽ với cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại một căn cứ quân sự.
“Lợi ích chính của Nga tại hội nghị thượng đỉnh (Nga - Triều) lần này là nhằm nhắc nhở các quốc gia khác rằng Nga vẫn tồn tại và vẫn có nhiều tiềm năng về kinh tế cũng như chính trị trong khu vực”, AFP dẫn lời ông Andrei Lankov tại Đại học Kookmin ở Seol, Hàn Quốc, nhận định.
“Nga cần nắm quyền kiểm soát đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Những sự kiện gần đây đã đẩy tất cả các bên, trừ Triều Tiên và Mỹ, ra khỏi tình hình khu vực. Tất nhiên không ai thích điều đó”, ông Lankov nói.
Theo ông Lankov, Nga đã mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un hội đàm từ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un khi đó chưa sẵn sàng dành thời gian cũng như nguồn lực cho chuyến đi tới Nga vì Moscow không phải là nhân tố chính trong vấn đề Triều Tiên.
Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm kiếm tất cả các đồng minh mà ông có thể tiếp cận được vì “hội nghị thượng đỉnh lần hai diễn ra không thành công và ông Kim Jong-un không thể đạt những gì mà ông kỳ vọng”.
Giống như Trung Quốc, Nga không muốn thay đổi chính quyền tại Triều Tiên vì điều này có thể gây ra bất ổn khu vực, thậm chí biến bán đảo Triều Tiên thành quốc gia thống nhất dưới tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực sát sườn Nga. Đó là lý do Nga vẫn bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi căng thẳng lên cao trào vào năm 2017.
Tuy vậy Mỹ từng chỉ trích Nga, nước viện trợ lương thực cho Triều Tiên, vì đã giúp đỡ Bình Nhưỡng lách lệnh trừng phạt quốc tế. Moscow cũng nhiều lần kêu gọi nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng khi căng thẳng hạ nhiệt.
Toan tính các bên
Tổng thống Putin gặp cố lãnh đạo Kim Jong-il năm 2000. (Ảnh: Kremlin) |
Điện Kremlin vẫn chưa có tầm ảnh hưởng khu vực như Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Với tham vọng đặt Triều Tiên trong tầm ảnh hưởng của mình, Trung Quốc đóng vai trò hậu thuẫn về ngoại giao cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc thậm chí còn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên mượn máy bay của hãng hàng không Air China để tới Singapore gặp Tổng thống Mỹ vào năm ngooái.
Theo chuyên gia Konstantin Asmolov tại Viện Viễn Đông có trụ sở ở Moscow, vai trò của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán toàn cầu nào cũng đều nằm trong một nhóm chung với Trung Quốc và Triều Tiên.
Chính sách đối ngoại của Nga lâu nay vẫn tập trung chủ yếu vào các nước Liên Xô cũ và Trung Đông, đặc biệt là sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.
Do vậy, chuyên gia Lankov cho rằng khó có thể kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá thực tế nào tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều sắp tới.
“Sẽ có những tuyên bố, những lời hứa hẹn. Họ cũng sẽ ký tuyên bố chung nhằm tăng kim ngạch thương mại lên gấp 10 lần trong 5 năm. Nhưng chỉ sau 2 năm, họ sẽ lại lãng quên điều đó”, ông Lankov dự đoán.
Theo chuyên gia Lankov, Nga muốn trở thành một “người chơi” quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, Moscow vẫn thiếu tầm ảnh hưởng đối với cả Washington và Bình Nhưỡng để thực sự đưa mình vào tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.
“Nga chỉ có thể có tiếng nói ở Bình Nhưỡng nếu họ sẵn sàng chịu chi”, ông Lankov nhận định.
Tuy nhiên, ông Lankov cho rằng Tổng thống Putin không muốn trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un gói viện trợ lớn, đơn giản bởi vì Nga vẫn dành ưu tiên nhiều hơn cho khu vực Trung Á và Đông Âu. Đó là lý do khiến hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều mãi tới bây giờ mới diễn ra. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước đây cho rằng Nga không phải là nước mà ông cần dồn nhiều tâm sức.
Tính toán của Triều Tiên đã thay đổi từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai với Mỹ. Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra hạn chót cho Mỹ tới cuối năm nay phải thay đổi về cơ bản lập trường của mình. Trong khi đó, ông Kim bắt đầu chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc để lôi kéo sự ủng hộ về ngoại giao và lách lệnh trừng phạt.
Ông Kim Jong-un cũng có thể cảm thấy thất vọng khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không thể thuyết phục Mỹ nới lỏng trừng phạt Triều Tiên trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Washington tuần trước.
“Ông Kim Jong-un có thể đang tìm cách cho ông Trump và ông Moon thấy mối quan hệ mới được thắt chặt với Nga”, Lee Jai-chun, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga, nói.
Ngoài Mỹ và Hàn Quốc, Nga cũng phát tín hiệu tới Trung Quốc. Mặc dù quan hệ Trung - Triều đã cải thiện đáng kể trong một năm qua, nhưng hai nước vẫn còn sự thiếu tin tưởng rất lớn.
“Ông Kim không muốn đặt toàn bộ số trứng vào giỏ Trung Quốc vì Triều Tiên phải phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về kinh tế. Càng ở dưới cái bóng của Trung Quốc, Triều Tiên càng có lý do để thoát khỏi cái bóng đó”, David Kim, nhà phân tích tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.