Tổng thống Nga, Mỹ thảo luận hơn một giờ đồng hồ về vấn đề Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới vấn đề Ukraine. Ảnh: Fox News |
Kênh CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin đã kết thúc cuộc điện đàm song phương được dư luận đặc biệt quan tâm này. Cuộc điện đàm trên bắt đầu lúc 11h04 ngày 12/2 theo giờ địa phương (23h04 cùng ngày theo giờ Hà Nội) và kết thúc sau hơn một giờ đồng hồ, cụ thể là 12h 06 giờ địa phương (0h06 ngày 13/2 theo giờ Hà Nội).
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Putin và ông Biden kể từ tháng 12/2021, thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang liên quan tới vấn đề an ninh của châu Âu và vấn đề Ukraine.
Theo đài Sputnik, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng nếu Nga tấn công Ukraine, thì Mỹ và các đồng minh sẽ “cương quyết đáp trả và khiến Nga nhanh chóng phải trả giá đắt”.
Nhà Trắng công bố một đoạn ghi chép nội dung hội đàm cho hay: “Tổng thống Biden đã khẳng định rằng một cuộc xâm lược Ukraine của Nga khiến người dân đau khổ và làm xói mòn vị thế của Nga… Trong khi Mỹ can dự ngoại giao, phối hợp với các đồng minh và đối tác, chúng tôi cũng sẵn sàng cho các kịch bản khác”.
Giới chức Nhà Trắng từ chối tiết lộ “kịch bản khác” là gì.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra vài giờ sau khi Mỹ chuyển một số lực lượng ra khỏi Ukraine và ra lệnh sơ tán hầu hết nhân viên Đại sứ quán ở Kiev vì lo ngại nguy cơ xung đột quân sự. Các động thái này là tín hiệu cho thấy Mỹ lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây và báo chí đã lan truyền một "chiến dịch thông tin sai lệch quy mô lớn" về một cuộc xâm lược được cho là sắp xảy ra của Nga nhằm vào Ukraine "để chuyển hướng sự chú ý khỏi các hành động hung hăng của chính họ".
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh tái bố trí 160 cố vấn quân sự Mỹ đang ở Ukraine tới địa điểm khác ở châu Âu. Thông cáo của Lầu Năm Góc nêu rõ: “Bộ trưởng Lloyd Austin đã ra lệnh tạm thời tái bố trí 160 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida, những người được triển khai tới Ukraine cuối tháng 11 năm ngoái”.
Tin cho biết thêm số binh sĩ này, có nhiệm vụ “cố vấn và huấn luyện các lực lượng Ukraine”, sẽ được rút ngay khỏi Ukraine tới một địa điểm không tiết lộ ở châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu và thảo luận về vấn đề Moskva triển khai binh lực dọc biên giới nước này giáp với Ukraine, cũng như việc Nga tăng cường lực lượng ở Bán đảo Crimea.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/2 thông báo, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken cũng đã tiến hành điện đàm để thảo luận tình hình Ukraine và các đảm bảo an ninh.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov chỉ trích phản hồi của phương Tây liên quan đến đề xuất đảm bảo an ninh của Nga đã phớt lờ các quan ngại chính của Moskva. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Như người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga lưu ý, phản hồi của Washington và Brussels đối với các dự thảo hiệp ước Nga-Mỹ và thỏa thuận với NATO về đảm bảo an ninh đã phớt lờ các điều khoản quan trọng đối với chúng tôi, chủ yếu về việc không mở rộng liên minh quân sự và việc không triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga". Ngoại trưởng Lavrov còn cảnh báo Mỹ rằng mọi hành động làm suy yếu an ninh ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương đều không thể chấp nhận được.
Nga nhiều lần khẳng định nước này không hề có kế hoạch tấn công bất kỳ quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh việc phương Tây hết lần này lần khác thổi phòng cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” sẽ chỉ gây phương hại cho các nỗ lực ngoại giao nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang.