Có thể nhận thấy, sự bất an và lo ngại vẫn đè nặng nhiều người yêu chuộng hòa bình bởi viễn cảnh một Biển Đông vẫn trôi vào vòng xoáy vô trật tự và xung đột.

Việc phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) hồi tháng 7/2016 không được tôn trọng đã đe doạ tính toàn vẹn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Chính vì vậy, xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh nhằm duy trì hoà bình, ổn định và trật tự trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và quốc tế này.

thuc day hop tac quoc te vi hoa binh on dinh cua bien dong
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines

Kể từ sau Phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) về vụ kiện Philippines với Trung Quốc, tình hình Biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu lạc quan nhất là số vụ va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm qua đã giảm so với các năm trước.

Là người trong cuộc, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines, Philippines nhận thấy, đã hơn 1 năm qua kể từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Philippines đã tạo ra bầu không khí hữu nghị hơn giữa hai nước.

Tuy nhiên, vị Giáo sư này vẫn khẳng định, tình hình trên Biển Đông không có gì thay đổi và lối hành xử của các bên đã khác nhiều so với những dự đoán.

“Lý do chúng tôi tạm thời yên lặng là để đổi lấy sự nhượng bộ từ Trung Quốc nhưng hiện nay họ vẫn hứa và có một vài sản phẩm hữu hình nhưng tình hình, không khí giữa 2 nước đã thay đổi nhiều kể từ lần họp trước”, Giáo sư Jay Batongbacal nói

Mới đây nhất, tại Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 9 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tổ chức tại TP HCM, rất nhiều học giả và giới truyền thông quan tâm hỏi về quan điểm của Trung Quốc trước những diễn biến trên Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên, nhiều học giả Trung Quốc không hiểu sao không thể trả lời đúng trọng tâm vào các câu hỏi…

Giáo sư Renping Zhang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ước Biển Quốc tế, Đại học Hàng hải Đại Liên, Trung Quốc đã lái các câu trả lời của mình khi được hỏi về các xung đột trên Biển Đông sang… vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển như thế này.

thuc day hop tac quoc te vi hoa binh on dinh cua bien dong
Giáo sư Renping Zhang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ước Biển Quốc tế, Đại học Hàng hải Đại Liên, Trung Quốc

“Chính phủ Trung Quốc dành mối quan tâm đặc biệt cho vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp (viết tắt là IUU), trái luật quốc tế, quy định của quốc gia. Trong trường hợp này, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực đưa ra các chính sách dành cho các ngư dân không vi phạm pháp luật quốc tế, quy định của quốc gia, tuân thủ thông lệ quốc tế.

Thuyền đánh bắt hải sản ở những ngư trường lớn là mối hiểm họa cho nguồn tài nguyên hải sản, lúc ấy, chúng ta cần tăng cường sự quan tâm nhất định”, Giáo sư Renping Zhang nói.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, hiện nay tình hình Biển Đông yên ả trên bề mặt, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ sóng ngầm phức tạp. Nguyên nhân các tranh chấp trên Biển Đông chính là khác biệt trong lập trường và nhận thức của các nước về lịch sử và việc luật pháp quốc tế không được tuân thủ triệt để.

Vì vậy, một phần lớn ngân sách của các quốc gia tiếp tục được đầu tư hiện đại hoá lực lượng vũ trang. Giáo sư Tùng dẫn thông tin từ Viện Hoà Bình Stockhom: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất thế giới, lên đến 450 tỉ USD trong năm 2016, tương đương với mức tăng 4,6% so với năm 2015.

thuc day hop tac quoc te vi hoa binh on dinh cua bien dong
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao (bên phải)

Đề cập việc giải quyết các xung đột nhằm duy trì hoà bình, ổn định tại Biển Đông, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã đạt được Thỏa thuận khung về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đánh dấu một bước tiến đáng kể hướng tới giảm căng thẳng tại tuyến hàng hải chiến lược này.

Tuy nhiên, để đạt được một bản COC hiệu quả và thực chất thì còn nhiều khó khăn. Quá trình này phụ thuộc phần lớn vào ý chí chính trị của các bên liên quan. Vì vậy, các bên có lợi ích ở Biển Đông cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong khu vực, thông qua việc thực thi các phán quyết của toà án và trọng tài.

Giáo sư Phạm Quang Minh nói: “Tôi nghĩ điều này rất quan trọng vì đó là Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông được đưa ra lần này giữa các nước ASEAN và Trung Quốc nó vẫn không đề cập tới những vấn đề có tính chất cơ bản. Ví dụ như các quốc gia phải giải quyết các xung đột như thế nào? Họ phải đưa các vấn đề xung đột này ra cho ai giải quyết? Cơ chế giải quyết như thế nào và phạm vi giải quyết chưa rõ ràng, như áp dụng ở đâu… Tôi nói rằng, cái gọi là Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nếu như có thể được hình thành, được thông qua trong thời gian tới thì vẫn không phải là công cụ để giúp các bên giải quyết được xung đột”.

thuc day hop tac quoc te vi hoa binh on dinh cua bien dong
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Tokyo đầu tháng 11/2017 vừa qua, Nhật Bản và Mỹ đã ký thoả thuận để cung cấp các nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngay sau đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ tại khu vực này với Tầm nhìn "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở" hướng đến bảo vệ hoà bình và thịnh vượng cho một khu vực rộng lớn.

Dẫn đề từ luận điểm của Hoa Kỳ khi đặt Biển Đông trong mối quan hệ của khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay cho cách gọi “Châu Á – Thái Bình Dương” như trước đây, ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, quan niệm này cho thấy phạm vi ảnh hưởng của Biển Đông được mở rộng hơn trong kết nối các vấn đề khu vực và thế giới. Vì vậy, việc tiếp cận các vấn đề về Biển Đông cũng sẽ thay đổi theo hướng nhiều chiều, đa phương, nhiều chủ thể…

Ông Lê Công Phụng nói: “Cái ý tưởng của Mỹ đưa ra thì họ nhấn mạnh là Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nghĩa là mở rộng phạm vi mà Mỹ muốn định hình. Cái này nó có 2 khía cạnh: Một là Mỹ muốn mở rộng hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết hợp 2 đại dương này để xử lý theo cách của Mỹ và để triển khai theo chiến lược của Mỹ. Cái ý thứ hai thì tôi cho rằng (có thể đúng, có thể sai) nhưng đây là cái mà Mỹ muốn mở rộng hơn để tập hợp lực lượng trong việc cạnh tranh chiến lược”.

Còn Giáo sư Carlyle A.Thayer đến từ Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Oxtraylia - một trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông - khi phân tích hoạt động của các cơ quan chấp pháp trên biển trong những diễn biến gần đây đã đề xuất thành lập một lực lượng chung là Cảnh sát biển ASEAN.

thuc day hop tac quoc te vi hoa binh on dinh cua bien dong
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia

Từ thực tế những diễn biến trên Biển Đông hiện nay, Giáo sư Carlyle A.Thayer mong muốn các nước ASEAN và Trung Quốc phải đối thoại về nguyên tắc ứng xử: “Tôi mong là chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp có tính chất pháp lý, ASEAN và Trung Quốc sẽ có những đàm phán về nguyên tắc ứng xử chung. Kinh tế của Việt Nam đang phát triển và có những thành công nhất định theo hướng bền vững ở Biển Đông, chúng ta không thể tách khỏi cộng đồng thế giới được, và tôi nhận thấy Việt Nam là đối tác rất tích cực trong các diễn đàn về Biển Đông. Đây là một hành trình cho tương lai lâu dài, vậy nên cả ASEAN và Trung Quốc phải đối thoại về nguyên tắc ứng xử, thậm chí phải sử dụng nguyên tắc trên cơ sở xác định khu vực địa lý quốc gia”.

Trước những diễn biến khó lường trên biển Đông, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng Việt Nam vẫn phải kiên trì đường lối đối ngoại đa phương hóa, tăng cường quan hệ với nhiều cường quốc, tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề xung đột bằng con đường hòa bình. Nhiều ý kiến cũng nhận định, chúng ta cần thực hiện tổng hòa các phương thức bao trùm từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao… để giải quyết các vấn đề trên Biển Đông./.