Thủ tướng: Dồn tiền làm cái cần thiết chứ không phải có dự toán là chi
Chiều 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017 của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Thủ tướng đánh giá, 2016 là năm thắng lợi của ngành Tài chính, thu ngân sách Trung ương vượt 7,8% dự toán. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của ngành Tài chính, đảm bảo chi ngân sách Trung ương, trong đó có chi trả lương, trả nợ và chi các nguồn cấp bách.
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tập đoàn đã có nhiều cố gắng để đóng góp vào ngân sách Trung ương; biểu dương có thêm 3 địa phương đã tự cân đối ngân sách và điều tiết thu về ngân sách Trung ương.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một thực tế là nợ công tăng nhanh trong 5 năm qua, trung bình 18%, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng chi thường xuyên còn lớn hơn. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa còn hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ, dẫn đến hệ quả là nhà nước phải đi vay để đầu tư phát triển, khiến tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, chính sách thuế, hải quan vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, có lúc thiếu nhất quán và không ổn định nên cần phải tiếp tục hoàn thiện. Thất thu ngân sách còn nhiều, xử lý nợ đọng thuế đã thu được kết quả bước đầu, song số nợ đọng thuế còn lớn. Còn tình trạng lãng phí thất thoát trong xã hội, trong sử dụng ngân sách, nhất là tài sản công, xe công, xây dựng cơ bản còn lớn. Thủ tướng nêu một thực tế là cả nước vẫn còn hơn 560.000 ha đất vàng còn quy hoạch treo.
Về nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng nêu rõ, dư địa phấn đấu các mục tiêu năm 2017 khá hạn hẹp, trong khi mục tiêu GDP tăng 6,7%, bội chi ngân sách dưới 3,5% GDP, lạm phát khoảng 4%. Đây là thách thức đòi hỏi Bộ Tài chính phải nỗ lực đóng góp thực hiện các mục tiêu này.
“Bộ Tài chính trong năm 2017 phải thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đây cũng là trọng trách mà Thủ tướng thay mặt Chính phủ giao cho các đồng chí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Để làm được điều đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính cần quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ về chủ trương giải pháp cân đối ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững, trong đó có Nghị quyết 01 của Chính phủ mới được ban hành.
Cùng với đó, ngành Tài chính cần phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kết hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra và các mục tiêu khác.
Do vậy, một nhiệm vụ quan trọng là ngành cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo để không bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình vĩ mô và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt, cần nghiên cứu tổng quát, đề xuất cơ chế sử dụng nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả nhất, nhất là sử dụng tài sản công.
Ngành Tài chính cũng cần coi tái cơ cấu tài chính công là nhiệm vụ quan trọng phải ưu tiên thực hiện, phải nghiên cứu tái cơ cấu ngân sách song song với cải cách toàn diện quản lý ngân sách, cần có tư duy mới và thay đổi căn bản cách tiếp cận với phương thức quản lý nhà nước.
Trong việc sử dụng ngân sách, cần điều hành theo hướng khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện các mục tiêu xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp và tiến tới bỏ tư duy kinh tế kiểu cào bằng, bình quân chủ nghĩa trong phân bổ nguồn lực tài chính công, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu mỗi bộ ngành địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh và quà lưu niệm cho Bộ Tài chính. |
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất sửa một số sắc thuế ảnh hưởng đến phát triển, bảo vệ sản xuất trong nước, tạo môi trường đầu tư thuận lợi như thuế VAT, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Đặc biệt cần nghiên cứu đề xuất thuế nông nghiệp công nghệ cao, bởi thực tế tại nhiều địa phương có rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho doanh thu lớn. Thủ tướng nêu ví dụ tại Lâm Đồng, hằng trăm ha có doanh thu đến 5 đến 7 tỷ đồng/ha, tại Bình Phước có mô hình thu được 2 tỷ/ha.
Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách, cải thiện hiệu quả đầu tư công, giảm chi thường xuyên, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 đã được Quốc hội quyết định. Trong đó, về thu ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt công tác thu, tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, kiểm soát chặt chẽ kê khai giá tính thuế nhập khẩu, rà soát, nắm chắc nguồn thu trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh theo quy định; siết chặt công tác quản lý, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm tra giám sát các gian lận thương mại, chuyển giá,....
Rà soát các chính sách thuế hiện hành, ưu đãi nào ít có tác dụng mà gây thiệt hại cho ngân sách thì cần nhanh chóng hủy bỏ, cần chấn chỉnh việc lạm thu các khoản đóng góp ở cơ sở gây bức xúc trong xã hội. Trong đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu phương án để có chính sách thuế hợp lý với 3,6 triệu hộ kinh doanh.
Về chi ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo trong điều hành cũng cần hết sức chặt chẽ, quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, cắt giảm chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra, chi mua sắm tài sản đắt tiền.
“Chúng ta phải tiến hành việc chi ngân sách phải công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước, tài sản công. Xử lý nghiêm các sai phạm, củng cố lòng tin với Đảng, Nhà nước. Thực hiện tinh thần này để thể hiện trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân. Trong hoàn cảnh khó khăn này, cần dồn tiền làm gì cần thiết cho xã hội, chứ không phải mọi việc có tiền, có dự toán là cứ chi, sẽ không hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Tài chính năm 2017 đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách năm nay ước đạt 1.094 nghìn tỉ đồng, vượt 79,6 nghìn tỉ đồng và tăng thêm 55.000 tỉ đồng so với báo cáo Quốc hội. Để chống thất thu thuế, cơ quan thuế đã kiểm tra, thanh tra gần 82.000 doanh nghiệp, qua đó đã xử lý tăng thu ngân sách 14,5 nghìn tỉ đồng, đã thu được 42.000 tỉ đồng nợ thuế, đã chuyển cơ quan công an 2.776 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
Trong chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt khoảng 80% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 55% dự toán./.