Thị trường tín dụng 2024: Tín dụng tăng nhưng còn nhiều thách thức
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 |
Năm 2023, UBND tỉnh có kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 12%, huy động vốn tăng 10% so với cuối năm 2022, còn toàn ngành Ngân hàng phấn đấu tăng 14%. Đây được cho là mức tăng cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng như đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên trong 3 quý đầu của năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng đạt thấp. Bước sang quý IV, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nên nhu cầu về vốn đã có những tín hiệu tích cực. Chỉ trong 2 tháng, số tăng đã đạt xấp xỉ của cả 9 tháng trước đó cộng lại.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thái Nguyên cho biết: "Kịp thời điều chỉnh chính sách của Ngân hàng nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã liên tục điều hành lãi suất tiền tệ và lãi suất đã được giảm, điều này có thể nói là đã cùng đồng hành, hỗ trợ nhau, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn".
Lý giải về thị trường tín dụng có dấu hiệu ấm lên vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng cho rằng, do thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng bắt đầu tốt lên. Cùng với đó, nhu cầu về vốn để tích trữ hàng hóa dịp cuối năm tăng lên. Mặt khác, việc hạ lãi suất đầu vào và triển khai kịp thời các gói chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi của Trung ương cũng góp phần để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng và tập trung đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần CNT Group: "Một là gói giảm thuế 2% từ 10% xuống 8%, một cách để làm cho thị trường bớt nóng, để các nhà đầu tư sẵn sàng sử dụng dòng tiền của mình để tái đầu tư vào hoạt động thì cái đó có lẽ là sự cộng sinh giữa nhà nước và các doanh nghiệp để giúp cho nền kinh tế phát triển".
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực, song nền kinh tế trong nước hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể sẽ kéo dài đến hết quý II/2024. Bởi thế, chưa năm nào như năm nay, mặc dù lãi suất được duy trì ở mức tương đối thấp suốt nhiều tháng liền, nhưng nghịch lý là dư nợ dù có tăng, nhưng chậm.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại băn khoăn: "Năm nay lãi suất sẽ giảm hơn và tiếp cận các doanh nghiệp thì tiếp cận nguồn tín dụng cũng sẽ sẽ tốt hơn nhưng vấn đề là kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình nó có hiệu quả không. Vay phải có làm ăn, phải có hiệu quả thì mới có tiền trả gốc và lãi...".
Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 của toàn ngành Ngân hàng là 15% |
Hiện nay, lãi suất huy động cao nhất phổ biến của các ngân hàng chỉ là 5,5%/năm, giảm 3-4%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay xung quanh mức 7-9%/năm kỳ ngắn hạn, giảm từ 2,5-3%/năm. Một số ngân hàng thậm chí phải dùng cả biện pháp kỹ thuật, triển khai các gói tín dụng với mức lãi suất rất thấp (chỉ từ 4-5%/năm) đối với một số khách hàng. Đây đang là thời điểm mà cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay thấp nhất trong vài chục năm trở lại đây của ngành ngân hàng.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thái Nguyên: "Nếu như doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng quá nhiều về đòn bẩy tài chính, tức là vay tín dụng khi mà thị trường thế giới chưa ổn định về lãi suất thì cũng sẽ có những rủi ro. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi tin rằng chính sách tiền tệ cũng sẽ linh hoạt hơn, vẫn trên cơ sở là chặt chẽ để đảm bảo sẽ giữ được ổn định lạm phát và sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng".
Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 của toàn ngành Ngân hàng là 15%. Dù còn nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia nhận định, với cả về cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, năm 2024 tăng trưởng tín dụng có thể gặp khó ở những tháng đầu năm, nhưng sẽ khởi sắc hơn nhiều so với năm 2023./.