Thái Nguyên: Xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Thái Nguyên phát triển nông nghiệp theo hướng là nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng nông nghiệp giữ vai trò quan trọng và được xác định là một trong những trụ cột của nền kinh tế, đặc biệt khi Thái Nguyên định hướng mục tiêu tăng trưởng nhanh đồng thời bảo đảm tính bền vững. Trong đó, hình thức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi được quan tâm, chú trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời giúp tổ chức lại sản xuất, khắc phục hạn chế quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, đầu ra tiêu thụ không ổn định.

Nhận thấy xu hướng của người tiêu dùng là ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn. Anh Nguyễn Văn Hạnh đã vận động các hộ dân tại địa phương thành lập HTX Thành Nam, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, hướng hữu cơ. HTX đã và đang tạo việc làm ổn định cho trên 10 hộ thành viên và 20 lao động, với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán hơn 30 tấn rau, tiêu thụ chủ yếu ở các bếp ăn tập thể.

Thái Nguyên: Xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Thành Nam, Thành phố Thái Nguyên

Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Thành Nam, Thành phố Thái Nguyên cho biết: Để có được sản lượng thì HTX Thành Nam trồng theo từng khu vực, dựa theo đơn hàng như là các loại rau: xu hào, bắp cải, cải cúc thì 1 sào có thể thu hoạch được 6 đến 8 tạ rau.

Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích gieo cấy các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, với tổng diện tích đạt khoảng 2.720ha, thu hút doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo.

Thái Nguyên: Xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh vật tư Nông nghiệp Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc Chi nhánh vật tư Nông nghiệp Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt; trên 1.300 trang trại chăn nuôi, hầu hết sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến nay tỉnh đã phê duyệt thực hiện 121 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí trên trên 163 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp, 88 hợp tác xã với trên 3.600 hộ tham gia liên kết. Năm 2023, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt trên địa bàn tỉnh đạt 125 triệu đồng/ha. Để có được kết quả này, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP…

Thái Nguyên: Xây dựng nền nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo định hướng tại Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó tiếp tục ờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng là nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững.

Để nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thời gian tới, cùng với sự thay đổi tư duy của nông dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, gia tăng giá trị kinh tế cho ngành nông nghiệp.