Dự và chủ trì hội nghị ở điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

thai nguyen tham du phien hop truc tuyen ve cong tac giam ngheo ben vung
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, trong giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình là trên 47.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí được gần 39.000 tỷ đồng, chiếm trên 82% và số vốn huy động được từ nhiều nguồn lực khác nhau là trên 8.000 tỷ đồng, đạt 283% kế hoạch. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ trên 14% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, bình quân giảm 2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 đạt mục tiêu đề ra.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, theo kết quả điều tra hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có trên 58.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 20%. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn, tư liệu sản xuất. 5 năm qua, tổng vốn Thái Nguyên dành cho giảm nghèo là gần 4.900 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20,57% xuống còn 7,06% năm 2015, giảm 13,51% tương ứng với 36.668 hộ thoát nghèo. Tuy số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, song vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong công tác giảm nghèo như: phát huy vai trò của cộng đồng trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm nghèo; các chính sách đặc thù của địa phương trong giảm nghèo; giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đô thị...Mục tiêu cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đảng và Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề giảm nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào vùng khó khăn. Chính phủ đánh giá cao tinh thần triển khai công tác giảm nghèo của các địa phương; sự đóng góp giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, người hảo tâm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ tình hình giảm nghèo ở nước ta chưa thực sự bền vững; nhiều chủ trương, chính sách khi được triển khai ở các địa phương còn chưa hiệu quả; chính sách, văn bản Nhà nước, bộ, ngành còn chồng chéo chưa hiệu quả, chưa khơi dậy được tinh thần giảm nghèo của người dân; nhiều địa phương còn lợi dụng, lạm dụng chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa như hiện nay cũng tác động lớn đến chính sách, tiêu chí đánh giá, thậm chí thiên tai còn làm cho nỗ lực giảm nghèo của chúng ta có phần chậm lại.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế khuyến khích người nghèo tự nỗ lực vươn lên; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền rộng rãi mục tiêu của chương trình giảm nghèo, khuyến khích tinh thần tự cường vươn lên của người nghèo, sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân, tổ chức. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều chỉnh hệ thống chính sách pháp luật, dành nguồn lực cho việc giảm nghèo trong thời gian tới. Đặt mục tiêu giảm nghèo trong quy hoạch, chiến lược và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau phần kết luận, Thủ tướng phát động phong trào giảm nghèo “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”./.