thai nguyen phat hien dich ta lon chau phi o huyen phu binh
Toàn bộ đàn lợn 52 con với tổng trọng lượng 1.366kg của gia đình ông Thạo đã thực hiện tiêu hủy theo quy định. Ảnh: Bá Hoàng

Trước đó, vào ngày 5/3, nhận được thông tin nghi vấn có dịch tả lợn Châu Phi tại hộ chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo, xóm Giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, Đoàn công tác của UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tiến hành lấy mẫu phân tích bệnh phẩm lợn chết tại hộ gia đình ông Thạo. Kết quả cho thấy, dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ đàn lợn 52 con với tổng trọng lượng 1.366kg của gia đình đã thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Nguyên nhân chính được cho là do gia đình đã sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa từ các công ty lớn trên địa bàn, bên cạnh đó chưa thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chưa thường xuyên tiêu trùng khử độc. Nhận thấy mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh của dịch bệnh, UBND huyện Phú Bình đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, đồng thời báo cáo cơ quan chuyên môn nhằm khống chế, ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

* Ngay sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ và đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Thú y thế giới, đến nay, đã có 20 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Việt Nam, tính đến ngày 6/3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 332 hộ, 50 xã, 21 huyện của 10 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là trên 6.500 con. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus ASF gây ra, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên khả năng lây lan sẽ rất nhanh trên đàn lợn, tỷ lệ chết lên đến 100% nếu lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người.

Tại Thái Nguyên đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạo, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, là vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh. Theo nhận định của ngành chăn nuôi, dịch có nguy cơ lây lan trên địa bàn huyện và các địa phương khác, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện tại Việt Nam, ngày 10/1/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04 ngày 20/2/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi, ngày 22/2/2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về việc triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (ngày 4/3) vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan xây dựng các phương án để sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch. Nhờ có sự chủ động, quyết liệt trong triển khai, nên đến nay, ổ dịch đầu tiên bị phát hiện trên địa bàn xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình đã bị dập tắt. Hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, giám sát dịch vùng lân cận, vùng giáp ranh đang được tập trung thực hiện.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng được giao, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu đề xuất phương án xử lý, theo hướng nhanh, chính xác và hiệu quả. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Phú Bình tập trung chỉ đạo dập dịch, khoanh vùng, kiểm soát dịch và phòng ngừa lây lan từ ổ dịch. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi, những nguy hại của bệnh, biện pháp phòng, chống dịch và các biện pháp chăn nuôi an toàn. UBND các huyện, thành phố chưa có dịch cần tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn phòng, chống dịch bệnh; kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi có lợn ốm, chết bất thường. Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan, cần kịp thời báo cáo cấp trên để tháo gỡ và giải quyết./.