Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050)
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 ngày 02 tháng 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX. Là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh; phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Một số mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 45 tỷ USD; về cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 7,2%; GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,52 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 48,5%, đến năm 2030 đạt 61,7%;

Một số mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 45 tỷ USD; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 là 95%; tỷ lệ bác sỹ /10.000 dân là 19 người; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 60 giường; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên dân số là 98%; tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đô thị có hệ thống xử lý; tỷ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 46% trở lên.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Quy hoạch cũng nêu rõ về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội; quy hoạch hệ thống đô thị và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật; phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ và khoanh vùng sử dụng đất đến năm 2030; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư.

Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp; quy hoạch các khu chức năng tổng hợp và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân gôn. Quy hoạch các tuyến giao thông trọng điểm như: Đoạn tuyến vành đai V; tuyến liên kết các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Hồ Núi Cốc; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu đô thị, khu chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quy hoạch cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu để triển khai như: Huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn; công tác đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ mở ra nhiều cơ hội, động lực mới để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên, của vùng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh./.