Thái Nguyên: Hiệu quả chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện tuyến huyện
Cách đây 3 năm, ông Triệu Tiến Chi trú tại xóm Cao Biền, xã Phú Thượng huyện Võ Nhai phát hiện căn bệnh bị suy thận mãn và phải chạy thận nhân tạo. Từ đó trở đi, 1 tuần 3 lần, ông Chi phải xuống bệnh viện TW Thái Nguyên điều trị. Đường xá đi lại khó khăn nên việc điều trị của ông Chi rất vất vả, tốn kém. Thế nên, khi bệnh viện đa khoa huyện Võ Nhai triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ tháng 1.2018, việc điều trị của ông Chi đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Cũng giống như ông Chi, việc chạy thận nhân tạo của bà Ngô Thị Thanh trú tại xóm Việt Ninh, xã Lương Phú huyện Phú Bình cũng vất vả không kém. Để chạy chữa, bà Thanh phải điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, được một thời gian, bà lại tiếp tục chuyển về bệnh viện TW Thái Nguyên. Để thuận tiện cho việc đi lại, bà Thanh phải thuê một phòng trọ nhỏ ở gần các bệnh viện. Là một hộ nghèo, nên những chi phí đi lại, ăn ở đối với bà Thanh khi đó thực sự là cả một vấn đề.
Ngoài những thuận lợi cho bệnh nhân, việc triển khai kỹ thuật lọc máu chu kỳ tại bệnh viện cũng tạo cơ hội cho đội ngũ y bác sĩ được tiếp cận, học hỏi, phát triển kỹ thuật mới. Nhờ đó, có thể xử trí được những trường hợp cấp cứu liên quan đến bệnh này như: Suy thận cấp, phù phổi cấp, toan chuyển hóa… mà trước đây đều phải chuyển viện.
Hiện nay các cơ sở y tế của tỉnh Thái Nguyên có 41 máy chạy thận nhân tạo, trong đó có 3 huyện đã triển khai kỹ thuật này là Đại Từ, Phú Bình và Võ Nhai với tổng 11 máy. Tuy nhiên, có một thực tế là nhu cầu của người bệnh vẫn lớn hơn khá nhiều với khả năng đáp ứng của các bệnh viện. Đặc biệt là những bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa chưa triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo này.
Tuy không phải là kỹ thuật vượt tuyến nhưng việc đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào các bệnh viện tuyến huyện là quyết tâm rất lớn của ngành y tế Thái Nguyên. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu của y học hiện đại vào công tác điều trị cho bệnh nhân, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.