Thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh, năm 2016 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thị xã đã kết nối tích hợp số liệu thống kê tự động trên các hệ thống một cửa hiện đại, tích hợp về cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia; 100% thủ tục hành chính trên địa bàn được cung cấp trên internet thông qua các trang thông tin điện tử và cổng thông tin điện tử các đơn vị ở mức độ 2; 9/9 đơn vị cấp huyện đã được trang bị hệ thống tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính điện tử hiện đại. Tuy nhiên việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức, thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển chính phủ điện tử chưa đồng bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe và cho ý kiến về dự thảo kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh giai đoạn 2017- 2020; dự thảo quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; dự thảo quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thông dùng chung trên địa bàn tỉnh…

Đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của công nghệ thông tin, nhất là việc triển khai Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành cần bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương, triển khai có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả tại từng cơ quan, đơn vị; tiếp tục quan tâm hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công, phát huy tối đa vai trò Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo.