Tăng cường trang bị kỹ năng sống cho trẻ
Cán bộ Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên truyền tải đến các em học sinh những kiến thức, kỹ năng bảo vệ mình trước xâm hại tình dục tại trường THCS xã Văn Yên, huyện Đại Từ |
Hành vi nào được coi là lạm dụng tình dục, quy tắc 5 ngón tay để bảo vệ mình trước xâm hại tình dục… đó là những câu hỏi và kiến thức đầu tiên được các cán bộ của Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh chia sẻ với hơn 200 học sinh các khối lớp của trường THCS xã Văn Yên, huyện Đại Từ.
Vẫn còn những ngại ngùng ban đầu khi nhắc đến các vấn đề về giới, xong sự cởi mở, gần gũi với những kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ đã ngay lập tức thu hút học sinh vào buổi ngoại khóa đầy ý nghĩa.
Em Lê Thị Thu Hoài, học sinh lớp 9A, Trường THCS Văn Yên, huyện Đại Từ cho biết: “ Em cảm thấy rất là có ý nghĩa. Nó giúp em cảm thấy có nhiều thông điệp trong cuộc sống và em biết cách ứng xử”.
Không có hệ thống tài liệu khoa học về giáo dục kỹ năng sống, việc sắp xếp thời khóa biểu giành cho các buổi chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cùng còn hạn chế, đặc biệt sự quan tâm của gia đình còn chưa đúng mức với việc trang bị kỹ năng sinh tồn và bảo vệ bản thân cho trẻ là những khó khăn được đặt ra của việc nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở các nhà trường hiện nay.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Giáo viên Trường THCS Văn Yên, huyện Đại Từ khẳng định: “Trường THCS Văn Yên thuộc địa bàn nông thôn. Thế nên bố mẹ các em đa số là đi làm ăn xa. Và khó khăn nữa là các em ít giao tiếp với bên ngoài”.
Một học sinh trường THCS Quân Chu, huyện Đại Từ chia sẻ suy nghĩ tại buổi học |
Khắc phục và chia sẻ những khó khăn của các nhà trường, Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên ngoài việc chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội được phân công đến các nhà trường, trực tiếp trao đổi và truyền tải đến các em học sinh những kiến thức gần gũi, dễ nhớ và dễ thực hành.
Cô giáo Lê Hồng Vân, Phó hiệu trưởng trường THCS Quân Chu, huyện Đại Từ chia sẻ suy nghĩ: “Chúng tôi nhận thấy rằng đây là sự truyền hơi ấm của xã hội đến với nhà trường để tăng kỹ năng sống cho các em, để tăng hành trang sống đầy đặn cho các em bước vào tương lai”.
Chị Trần Bảo Khánh, Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên khẳng định quan điểm: “Ở góc độ những người làm công tác xã hội thì chúng tôi cho rằng khi chúng ta trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em không phải là chúng ta vẽ đường cho hươu chạy mà giúp cho các em có cái nhìn đúng đắn nhất liên quan đến việc xử lý tình huống nếu trẻ em gặp những tình huống như vậy phải xử lý hậu quả đáng tiếc. Nếu xảy ra rồi thì thực tế là chúng ta có muốn vẽ, cũng không kịp vẽ nữa rồi”.
Thực tế phát triển xã hội đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý giáo dục, người làm công tác xã hội, cho nhà trường và các bậc phụ huynh trách nhiệm lớn hơn, đó là làm thế nào để “vẽ đúng đường cho hươu chạy” thay vì để các em chơi vơi trong những khối kiến thức khổng lồ và thiếu định hướng từ mạng xã hội./.