Chính sách cho các đối tượng không nơi nương tựa
Bà Vương Thị Gái được nuôi dưỡng 33 năm tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên

Những người đã đến ở tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đều rất yên tâm với cách chăm sóc và nuôi dưỡng của cán bộ, nhân viên đợn vị này. Các đối tượng là người già được thăm khám và theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên, kịp thời, việc cấp phát thuốc để điều trị đúng bệnh, nên cuộc sống hiện tại như ở gia đình và không có cảm giác cô đơn. Nhiều người đã sống ở đây từ rất lâu, điển hình như bà Vương Thị Gái 88 tuổi, được nuôi dưỡng 33 năm tại trung tâm. Trước đây, bà Gái thường trú tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, do không nơi nương tựa bà Gái đã lang thang và được đưa vào trung tâm. Ở đây, các cụ được chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến lúc cuối đời.

Bà Gái chia sẻ: “Ở đây tôi được chăm sóc hơn 30 năm rất tốt. Từ khi vào đây, tôi một lần đi làm mắt và một lần nằm viện, còn đến giờ không làm sao cả.”

Bà Đào Thị Ngọc cũng ở đây hơn 20 năm chia sẻ: “Trung tâm chăm sóc, phục vụ rất chu đáo, kể cả ăn uống, thuốc men, không thiếu thốn thứ gì, theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước cho chúng tôi.”

Chính sách cho các đối tượng không nơi nương tựa
Lớp học đặc biệt tại trung tâm chủ yếu là xóa mù chữ cho các em.

Tại trung tâm có một lớp học đặc biệt, việc dạy học cho các em có mục đích chính là xóa mù chữ. Nhờ có lớp học này, các đối tượng có thể đánh vần từng con chữ và viết, ký được tên của chính mình. Ngoài ra, trung tâm còn đôn đốc các em khác đi học văn hóa tại các trường theo đúng thời gian biểu. Đối với các cháu còn quá nhỏ thì việc trông coi vất vả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ của trung tâm còn động viên, chia sẻ, tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, phân công việc lao động vệ sinh tập thể, tham gia phụ giúp bếp ăn để các em nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, cán bộ trung tâm chia sẻ: “Các cháu ở đây đều là trẻ khuyết tật, chậm phát triển nên mục tiêu của chúng tôi là dạy cho các con biết nhận biết được mặt chữ, ký được tên mình. Tuy nhiên, cũng gặp khó khăn vì các con nhận thức chậm hơn bình thường. Đối với trẻ nhỏ đi học, chúng tôi cũng thay nhau đưa đón các con học ở trường, với trẻ không học ở nhà trường, chúng tôi dạy chữ và múa hát, vẽ ngay tại trung tâm.”

Chính sách cho các đối tượng không nơi nương tựa
Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 73 đối tượng

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước cho các đối tượng bảo trợ xã hội về trợ cấp, trợ giúp. Công tác quản lý, tiếp nhận và thực hiện các thủ tục pháp lý cho đối tượng luôn được trung tâm tiến hành đầy đủ, kịp thời và đúng nguyên tắc. Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 73 đối tượng, trong đó có trẻ em, người già và người khuyết tật. Trung tâm luôn thực hiện minh bạch chế độ cấp phát đồ dùng cho đối tượng đầy đủ, kịp thời, có chứng từ theo dõi giao và nhận rõ ràng; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và đối tượng nuôi dưỡng về luật người cao tuổi, luật người khuyết tật và các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khác về lĩnh vực bảo trợ xã hội. Xây dựng phương án và tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “ Trong thời gian qua, Ban Giám đốc trung tâm đã chỉ đạo và thực hiện các phòng chuyên môn chú trọng đến chế độ ăn và các chế độ khác đảm bảo theo đúng quy định, thường xuyên quan tâm đến các nhóm đối tượng, trong đó huy động các nguồn lực, các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các bữa ăn, tăng thêm chế độ ngoài mức Nhà nước quy định để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống khi ở tại trung tâm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho các đối tượng.”

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội đã được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đó là điều kiện để trung tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo trợ xã hội cho các đối tượng. Bên cạnh đó, trung tâm luôn quán triệt cán bộ, nhân viên phải gần gũi, thân thiện, chăm sóc tốt các đối tượng bảo trợ, để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của họ, giải quyết ngay các vấn đề mới phát sinh. Do đó, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, trung tâm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và UBND tỉnh Thái Nguyên./.